Người Ghana rất coi trọng thủ tục ma chay, do đó tang lễ được chuẩn bị trong nhiều tháng (Ảnh: Nguồn Graphic)
Trước khi mai táng, thi thể người qua đời phải được lưu giữ vài tháng thậm chí hàng năm trời trong phòng lạnh rồi mới được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Hầu hết các xác chết được bảo quản trong nhà lạnh từ 3 đến 6 tháng (Ảnh: Nguồn Bloomberg)
Nhằm xóa bỏ hủ tục ma chay kéo dài và hết sức tốn kém, chính quyền Ghana đã cố gắng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân song đến nay, hủ tục này vẫn còn rất phổ biến trong xã hội. Người Ghana cho rằng, đây là tập tục được lưu truyền từ nhiều đời nay và họ thấy không có lý do gì để từ bỏ.
Tập tục ma chay tốn kém này được người Ghana lưu truyền qua nhiều thế hệ (Ảnh: Nguồn Herald)
Trong quan niệm của người Ghana, khi còn sống, mỗi người thuộc về gia đình nhỏ, bao gồm bố mẹ, anh chị em, con cái hoặc vợ chồng của họ. Tuy nhiên, khi chết đi, thi thể đó thuộc về cả dòng tộc. Bởi vậy, khi chưa tập hợp đầy đủ thành viên trong dòng tộc, tang lễ chưa thể diễn ra.
Khi một người qua đời, cái chết của họ được thông tin tới tất cả họ hàng. Những người thân ruột thịt sẽ có quyền quyết định tang lễ diễn ra thế nào, song chỉ khi được sự chấp thuận toàn bộ dòng tộc, đám tang mới tiến hành. Hàng trăm tranh cãi nổ ra xung quanh việc như viết cáo phó như thế nào, phải thiết kế quan tài ra sao, chôn cất ở đâu... Chính vì thế, các xác chết mới cứ phải nằm “chờ” mòn mỏi trong nhà xác nhiều tháng trời mà chưa được đem đi chôn.
Quan niệm, xác chết thuộc về dòng tộc, “lắm thầy nhiều ma”cũng là nguyên nhân khiến việc an táng kéo dài (Ảnh: Nguồn Flickr)
Đối với người Ghana, việc tiến hành đám tang một cách nhanh chóng trong vài ngày được coi là một hành động thiếu tôn trọng với người đã khuất. Vậy mới có câu chuyện lưu truyền, một vị tù trưởng nọ qua đời từ 6 năm trước vẫn chưa được chôn cất do chưa thể đồng thuận nhiều vấn đề trong tổ chức tang lễ.
Những đám tang kéo dài cả năm cũng không phải câu chuyện hiếm trong xã hội Ghana (Ảnh: Nguồn Flickr)
Người Ghana chuẩn bị tang lễ hết sức tỉ mỉ và cũng vô cùng phô trương chính là nguyên nhân khiến các xác chết “nằm dài” trong nhà xác: Những cuốn sách về tiểu sử người chết dài hàng trăm trang, những quan tài cầu kì, những ngôi nhà hoành tráng dành cho người đã khuất, những danh sách viếng dài dằng dặc, những cáo phó khổng lồ treo khắp nơi, thuê vũ công nhảy múa... không chỉ khiến việc tang lễ kéo dài nhiều tháng mà khiến gia chủ tốn kém một khoản tiền không nhỏ. Trung bình một đám tang ở quốc gia này tiêu tốn của gia chủ 350 - 500 triệu, tương đương với cả một gia tài.
Những cáo phó khổng lồ chi phí tới vài chục triệu, đặt ở nhiều địa điểm để càng nhiều người nhìn thấy càng tốt (Ảnh: Nguồn: Gbcghana)
Người Ghana luôn chôn cất người đã khuất bằng những chiếc quan tài được trang trí hết sức cầu kỳ đủ hình dáng, màu sắc (Ảnh: Nguồn Funeralguid)
Người dân Ghana tin rằng nhảy múa sẽ đem lại niềm vui cho người chết ở thế giới bên kia, giúp họ ra đi một cách nhẹ nhàng và lạc quan thay vì đau buồn, ủ dột (Ảnh: Nguồn Ghananation)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn