Được trồng từ năm 1991, đến nay, các vườn bưởi Diễn ở thôn Ngọa Long (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã có tuổi đời 30. Nhờ sự chăm sóc tận tình của người dân nơi đây, trung bình mỗi cây vào dịp Tết có khoảng 150 quả, thậm chí có những cây tới 300 quả.
Nhắc tới bưởi Diễn chính gốc phải nói đến bưởi được trồng tại 4 thôn: Văn Trì, Đức Diễn, Phú Minh, Ngọa Long (phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Người trồng bưởi Diễn đất Ngọa Long vẫn tự hào về đặc sản của đất Kinh kỳ: “Đất Diễn quê mình người xinh cảnh đẹp/Bưởi Diễn làng mình mát ngọt thơm ngon/Mỏng cùi, vàng óng, tôm giòn/Một lần khách nếm chắc còn nhớ lâu”
Trong số các thôn kể trên, bưởi Diễn được trồng tại thôn Ngọa Long (nay là Tổ dân phố Ngọa Long 1, 2) hiện còn khoảng 9,7ha. Với diện tích đó, trên địa bàn hiện có khoảng 30 hộ trồng bưởi và có diện tích sở hữu từ 1 - 3 sào.
Người dân ở đây cho biết, giống bưởi Diễn này được họ trồng nhiều vào khoảng những năm 1970. Thời điểm đầu, bưởi được trồng ở khu vực vườn nhà, tuy nhiên càng về sau do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa khiến diện tích đất trồng bưởi ngày càng thu hẹp - người dân cắt đất bán, bố mẹ chia đất cho các con, nhiều nhà phá vườn để xây phòng trọ.
Trước tình ấy, để phát triển thêm đất trồng bưởi, người dân đã tận dụng diện tích đất ruộng bỏ hoang của gia đình trước đó - do ảnh hưởng bởi nạn chuột phá hoại lúa và năng suất thấp để trồng bưởi.
Thời điểm những hộ chuyển ra ruộng đầu tiên là vào khoảng năm 1990, do nền đất trồng thấp nên thường xuyên ngập úng, cây bưởi bị chết. Khắc phục tình trạng này, người dân phải mua đất từ những khu vực khác hoặc đào đất từ một khoảng trong thửa ruộng của mình để nâng cao nền đất trồng.
Cũng kể từ đó, tình trạng vườn bưởi bị ngập úng không còn nữa, cây bưởi cho ra trái và sinh trưởng bình thường, vẫn giữ đúng chất của giống bưởi được lưu truyền nhiều đời này: cây càng lâu năm thì quả càng nhỏ, vỏ màu vàng, mỏng, múi mọng nước, ngọt đậm, để càng héo ăn càng ngon, bảo quản được từ 3 - 4 tháng.
Gia đình chị Phạm Thị Thành (45 tuổi, Tổ dân phố Ngọa Long, phường Minh Khai) bắt đầu trồng bưởi trên đất ruộng kể từ năm 1991, đến nay còn giữ lại được 80 gốc bưởi có tuổi đời 30.
Để giữ cho cây bưởi sống được lâu năm và tăng giá trị của quả bưởi theo từng năm, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình chị Thành đều quét vôi vào gốc cây, thân cây và cả cành cây để chống mối mọt, sâu bệnh, nấm mốc.
Trung bình mỗi năm, cây bưởi này cho khoảng 150 quả, cây nhiều lên tới 200 quả. Theo giá cả thị trường năm nay, chị Thành bán bưởi loại 1 - bưởi đẹp, quả có trọng lượng từ 8 lạng đến 1kg với giá 60.000 đồng/quả - so với năm ngoái giảm 10.000 đồng; bưởi loại 2 - vỏ bưởi xấu, dưới 7 lạng với giá 30.000 đồng/quả.
Tuy giá cao như vậy nhưng bưởi ra từ cây lâu năm này luôn "cháy" hàng, được người dân ở những quận trung tâm rất ưa chuộng, họ thường mua về để ăn và để làm quà biếu người thân, bạn bè, khách hàng, đối tác nhân dịp Tết đến.
Chủ vườn Phạm Minh Mạnh (48 tuổi, trú tại Tổ dân phố Ngọa Long) cho biết, các hộ trồng bưởi thu hoạch từ đầu tháng 11 âm lịch cho tới cuối tháng. Bởi nếu để lâu trên cây, thời điểm này sương muối nhiều và đặc biệt nếu không may gặp trời mưa thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng bưởi - bưởi bị úng nước, chua, không còn giữ được vị ngọt đậm.
Vườn bưởi của anh Mạnh có hơn 100 cây, trong đó 25 cây được trồng từ năm 1996. Trung bình mỗi cây bưởi trong vườn sẽ cho ra khoảng 150 trái và thậm có cây trong vụ này lên tới 300 trái. Trái loại 1, anh Mạnh bán với giá 50.000 đồng/quả, loại 2 bán với giá 30.000 đồng/quả. Sau khi trừ tất cả chi phí, trung bình mỗi năm gia đình anh Mạnh thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng.
Từ vườn bưởi này, anh Mạnh và vợ đã xây được nhà 3 tầng, nuôi dạy 2 người con học hành đầy đủ - con đầu vừa tốt nghiệp đại học và đã đi làm, con thứ 2 đang học Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Không chỉ riêng anh Mạnh mà hầu hết các hộ nơi đây đều trở nên khá giả, cuộc sống sung túc từ nghề trồng bưởi. Tuy nhiên, sắp tới đây, khu vực trồng bưởi Diễn này sẽ được UBND phường Minh Khai quy hoạch để phát triển đô thị.
Những vườn bưởi lâu năm này có nguy cơ biến mất.