“Vườn nhà Đà Lạt” được “nuôi lớn” bằng tình yêu nông sản

17:25 | 26/04/2023;
Với tình yêu dành cho nông sản ngay từ tấm bé, chị Lương Thị Yến Vân (trú tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã xây dựng Hợp tác xã “Vườn nhà Đà Lạt”.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, nữ Giám đốc Hợp tác xã này cho biết:

"Tuổi thơ của tôi gắn liền với những vườn rau của ba mẹ, nơi đã giúp tôi ăn học thành người. Tình yêu dành cho nông sản, cho việc làm vườn đã ăn sâu trong tôi từ tấm bé. Dù tôi học kế toán nhưng khi ra trường, tôi quyết định về làm vườn với ba mẹ. 

Đến tháng 10/2019, tôi quyết định xây dựng Hợp tác xã "Vườn nhà Đà Lạt". Ngay từ những ngày đầu, tôi đã xác định không trồng theo cách truyền thống như ba mẹ ngày trước là đơn thuần trồng sú, cà rốt, cà chua... 

Tôi có niềm đam mê tìm hiểu và trồng những giống mới, có giá trị dinh dưỡng cao, những giống ít người trồng".

“Vườn nhà Đà Lạt” được “nuôi lớn” bằng tình yêu 
nông sản
 - Ảnh 1.

Công nhân HTX “Vườn nhà Đà Lạt” dán nhãn hiệu cho nông sản

- Ngoài việc chọn giống, còn điều gì làm nên sự khác biệt của "Vườn nhà Đà Lạt"?

"Vườn nhà Đà Lạt" chuyên cung cấp các loại rau, củ, quả sạch, giống lạ như bông cải nhiều màu, lơ san hô, cà rốt cầu vồng, ớt trái cây sweet palermo, chanh dây Nam Mỹ, ớt móng tay… 

Trung bình mỗi ngày, HTX bán ra thị trường khoảng 6 tấn nông sản. Nông sản của HTX xây dựng trên phương châm nói "không" với chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng thực vật. HTX ban đầu có 7 thành viên, dự kiến sẽ kết nạp thêm 5 thành viên trong tháng 5 tới. 

HTX đang liên kết với 72 hộ nông dân trong tỉnh, trong đó, có khoảng 40% hộ nông dân liên kết do nữ làm chủ hộ. HTX liên kết các thành viên bằng kế hoạch sản xuất cụ thể, chịu trách nhiệm cung ứng giống, kế hoạch xuống giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu "đầu ra" sản phẩm. 

Việc quản lý quy trình sản xuất do kỹ sư thường xuyên ghé vườn để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ liên kết. HTX cung cấp hạt giống để đảm bảo sản phẩm đồng đều về chủng loại và chất lượng.

- Những ngày đầu khởi nghiệp của chị như thế nào?

Thời gian đầu, "Vườn nhà Đà Lạt" rất ít khách. Ba mẹ tôi không thể hỗ trợ được nhiều trong việc bán hàng. Nói về quá trình trồng lại càng khó hơn, không phải giống nào cũng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt. Như giống khoai tây tím, tôi đã đầu tư trồng 3 năm rồi nhưng vẫn thất bại. 

Để khắc phục khó khăn, yếu tố tiên quyết là ý chí, là niềm đam mê được thổi vào từng công đoạn. Trước những tác động của dịch Covid-19, bên cạnh bán hàng trực tiếp, tôi đẩy mạnh kinh doanh online, mở thêm kênh trên Tiktok với tên "Món lạ vườn nhà". 

Hiện nay, kênh Tiktok này có gần 180.000 lượt theo dõi và 1,5 triệu lượt thích, tạo nên bước ngoặt trong việc bán lẻ sản phẩm của HTX. Tôi thấy bản thân đã chọn đúng con đường khởi nghiệp, được sống đúng với đam mê. 

Nhiều lúc, sáng sớm dậy chưa cần ăn uống gì, tôi đã chạy ra vườn xem rau đã được cắt chưa, trái bí thế nào… cảm giác rất vui.

- Chị có thể chia sẻ dự định thời gian tới của mình?

Tôi đang có ý định phát triển du lịch canh nông, để khách trải nghiệm hái rau, trái tại vườn. Ngoài ra, tôi cũng muốn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để mở rộng mối quan hệ, quảng bá sản phẩm của HTX.

Bạn đọc có nhu cầu mua nông sản có thể liên hệ với chị Lương Thị Yến Vân theo số điện thoại: 0976016666. Website: vuonnhadalat.com; địa chỉ: Thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn