Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên là khu nổi bật đã thực hiện giám sát đa dạng sinh học từ đầu những năm 2000, với dữ liệu về các quần thể loài quan trọng như chim, linh trưởng, hươu và cá sấu.
Theo bà Annie Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường của cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, các kết quả bằng bẫy ảnh gần đây cho thấy, VQG Cát Tiên có các kết quả tốt và những đầu tư dài hạn vào cải thiện công tác quản lý của các khu bảo tồn đem lại kết quả tích cực. Chính vì thế, USAID dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các VQG ứng viên để đạt được danh hiệu Danh lục Xanh nhằm chứng minh tính hiệu quả và khả năng ứng dụng của Danh lục Xanh.
Danh lục Xanh IUCN là bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các Khu bảo vệ và Bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Tính đến năm 2022, sáng kiến này đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới.
Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn đa dạng sinh học và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu. Sau quá trình đánh giá tỉ mỉ kéo dài 2 năm, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) là Khu bảo tồn đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận Danh lục Xanh.
Hiện tại, có 10 Khu bảo vệ và Bảo tồn ở Việt Nam tham gia chương trình Danh lục Xanh gồm VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo.
Ở Châu Á, có 31 Khu bảo tồn đã được chứng nhận Danh lục Xanh tại 10 quốc gia, bao gồm: Bhutan, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Pakistan, Hàn Quốc và Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn