Vượt biên bán bào thai: Nỗi ám ảnh suốt đời

07:35 | 01/02/2019;
Những thai phụ vượt biên sinh con rồi bán có nguy cơ rất lớn về sức khỏe, nhất là trong khi sinh. Ngay cả trường hợp “mẹ tròn con vuông” thì những di chứng về sức khỏe tâm thần lên cả đứa trẻ và người mẹ cũng rất nghiêm trọng, thậm chí đeo đẳng suốt đời.

Nguy cơ không lường trước được

Những ngày gần đây, dư luận hết sức quan tâm đến thông tin hàng chục thai phụ ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sang Trung Quốc sinh nở rồi bán con. Theo tìm hiểu của PNVN, hầu hết những trường hợp đã bán con đều nhận được cuộc gọi khi đang mang thai từ tháng thứ 5 trở đi, có nghĩa, lúc này thai đã lớn và cần được theo dõi thường xuyên. Vì vậy, sức khỏe người mẹ cả về thể chất lẫn tinh thần đều ảnh hưởng nhiều đến thai nhi.

anh89.jpg
Chị Mạc Thị H. (SN 1980, bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An)

 

Theo các chuyên gia sản khoa, thai kỳ là khoảng thời gian đặc biệt quan trọng đối với người phụ nữ. Do cơ thể của mỗi người khác nhau nên sẽ có những bà bầu trải qua thai kỳ một cách suôn sẻ và ngược lại. Vì vậy, trong suốt quá trình mang thai, người phụ nữ phải được ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và con. 

Bác sĩ Chuyên khoa II Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), cho biết, khi mang thai và sinh con, phụ nữ phải đối mặt với nhiều nguy cơ không thể lường trước được, nhất là băng huyết. Đây là tai biến sản khoa thường gặp và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người mẹ. 

Vì vậy, các bác sĩ luôn kiểm tra, siêu âm rất kĩ thì mới nắm bắt được sức khỏe người mẹ ngay trước khi sinh để có thể chủ động xử lý trong tình huống mẹ có dấu hiệu băng huyết. Nguy cơ thứ hai đối với sản phụ là vỡ tử cung. Khi tử cung vỡ trong chuyển dạ thông thường, các bác sĩ thường phải mổ cấp cứu để cứu mẹ và con (nếu có thể) và xử trí thương tổn, bảo tồn tử cung... cho người mẹ. Đồng thời, người mẹ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong thời kỳ hậu phẫu để phát hiện nhiễm khuẩn sau mổ. 

Ngoài ra, sản phụ cũng đối mặt với nguy cơ tiền sản giật. Vì vậy, Khi có dấu hiệu sinh, người mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ. Hơn nữa, sản phụ cũng nguy cơ là tất cả các vi khuẩn thông thường như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn Coli, vi khuẩn yếm khí... 

“Quá trình sinh nở có rất nhiều nguy cơ nên ông bà ta đã có câu “gái chửa - cửa mả”. Do đó, trong 9 tháng 10 ngày mang thai người mẹ phải trải qua nhiều lần thăm khám để các bác sĩ theo dõi dức khỏe mẹ và con”, bác sĩ Khải nhìn nhận.

Theo bác sĩ Khải, với những phụ nữ vượt biên sinh con rồi bán thì những nguy cơ này cao hơn người bình thường gấp bội. Bởi lẽ, hầu hết những thai phụ bán con là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, khi chấp nhận bán trẻ sơ sinh, họ phải vượt qua quãng đường dài để đến nơi người mua yêu cầu, thường là qua biên giới. Do là mua bán bất hợp pháp nên để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, họ phải băng rừng, vượt suối chịu nhiều gian khổ khiến sức khỏe bà mẹ và thai nhi bị ảnh hưởng. 

Khi sang đến đất bạn, những thai phụ cũng phải trốn tránh chính quyền địa phương nên không có điều kiện chăm sóc, khám sức khỏe định kỳ theo khuyến cáo của ngành y tế. Đến khi sinh, do thực hiện hành vi bất hợp pháp nên sản phụ cũng không được đưa đến cơ sở y tế đàng hoàng, thậm chí phải sinh đẻ tại nhà với điều kiện không đảm bảo. 

Trong khi đó, những kẻ mua bào thai chỉ quan tâm đến việc lấy được đứa trẻ còn sức khỏe của người mẹ lúc này thường bị coi nhẹ. Những điều kiện phục vụ cho việc sinh con của sản phụ như vậy khiến nguy cơ trong khi sinh như băng huyết, nhiễm trùng thậm chí tử vong cả mẹ và con rất cao. Hơn nữa, trong sinh đẻ luôn có những tình huống xảy ra bất ngờ. Chỉ có khi ở tại cơ sở y tế mới có thể cấp cứu kịp thời, xử trí nhanh chóng và có các trang thiết bị hỗ trợ cứu cả mẹ và con. 

Ngoài những nguy cơ trong quá trình mang thai và sinh nở, chị em cũng có thể phải “bỏ mạng” nơi xứ người bởi những bất trắc trên đường đi. Qua các thông tin, đã có trường hợp tử vong do tai nạn giao thông trong lúc đi sinh nhưng bọn môi giới đã phủi trách nhiệm đến giờ thi thể vẫn chưa được về được. 

Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục sức khỏe, bảo gồm cả những nguy cơ đối với người mang thai khi vượt biên sang Trung Quốc sinh để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người dân vùng sâu vùng xa. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do đói nghèo. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân. 

Di chứng về thể chất và tinh thần 

Ngoài việc sản phụ phải đối mặt với những nguy cơ, tai biến trước trong và sau khi sinh, thai phụ bán con còn phải đối mặt với những sang chấn tâm lý sau này. Bác sĩ chuyên khoa I Lê Đào Nghĩa, Phó khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội), cho rằng, với phụ nữ, mang thai và sinh con là thiên chức. Trải qua 9 tháng 10 ngày mang thai, theo dõi con lớn từng ngày  giữa mẹ và con đã nảy sinh thứ tình cảm đặc biệt. Vì thế, vì một lý do nào đó nếu phải chia xa, cả người mẹ và con đều phải chịu những nỗi đau khôn cùng. 

Theo bác sĩ Nghĩa, sau khi sinh con, theo thỏa thuận người mẹ phải trao đứa con lại cho người mua để đổi lấy một khoản tiền. Có người nhận xong là thôi, nhưng cũng có người không nỡ rời xa con. Họ đau đớn, cùng cực bởi suốt 9 tháng mang nặng đẻ đau giờ lại phải xa con. Kể cả khi trở về nhà, có những lúc ký ức về việc bán con hiện về khiến họ đau đớn. 

Họ cũng không biết những ngày sau này con sẽ ra sao? Sống như thế nào? Gia đình người mua có đối xử tốt không? Một số phụ nữ không chịu nổi đã bị sang chấn tâm lý suốt một thời gian dài, những ký ức đó sẽ theo đến suốt cuộc đời và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình họ. Khi tĩnh tâm hay nhớ lại, người phụ nữ sẽ hối hận, thậm chí có người quay lại tìm con, tìm cách chuộc con, chuộc lại lỗi lầm nhưng lúc ấy đã muộn. Cả đời, họ sống trong day dứt, đau khổ, có người không chịu được đã nghĩ quẩn, tìm tới cái chết.

“Mối quan hệ mẹ con tác động qua lại lẫn nhau. Nếu có mẹ, đứa con mới phát triển bình thường cả về thể chất và tâm sinh lý. Ngược lại, người mẹ nếu có con thì con để chăm sóc, yêu thương thì cũng có động lực phấn đấu, làm việc. Đây là sợi dây tình cảm thiêng liêng không gì so sánh hay bù đắp được”, bác sĩ Đào Hữu Nghĩa phân tích. 

Trong tâm thần, mối quan hệ giữa người mẹ và con rất quan trọng. Vì vậy, khi đứa trẻ bị bán từ lúc lọt lòng thì sẽ không có sự chăm sóc, tiếp xúc của mẹ thì quá trình hình thành và phát triển nhân cách, cùng với các kỹ năng xã hội của bé bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Theo đó, trong tâm lý, trẻ là cảm giác cô đơn, trống trải. Trẻ tự ti, dễ tủi thân, sống thầm lặng. Đặc biệt, khi trẻ biết mình bị bố mẹ bán thì sẽ mặc cảm với số phận. Trẻ lo lắng sợ hãi, xa lánh không muốn quan hệ với bạn bè dẫn đến nguy cơ bị trầm cảm hay tự kỷ. 

Dù gia đình mới có yêu thương như thế nào thì cũng không thể bằng cha mẹ ruột. Đó là chưa nói tới những trường hợp trẻ bị bạo hành hay mua đi bán lại. Vì thế, trẻ sẽ mất đi các động cơ kích thích học tập, rèn luyện và phấn đấu, thậm chí dẫn đến sự nghi hoặc, sự bất cần của các em vào cuộc sống.

(Còn nữa)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn