Thương nhớ em trai liệt sĩ ra đi cách nay gần 60 năm chưa trở về, cụ Phạm Thị Tỵ (85 tuổi, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã vượt hơn 300 cây số để đến nghĩa trang Viện Quân y 6, Quân khu Tây Bắc (TP Sơn La, tỉnh Sơn La).
Ở tuổi gần đất xa trời, sợ rằng không còn lần nào nữa có thể lên thăm em, tháng 10/2018, cụ Phạm Thị Tỵ (bìa trái) đã vượt hơn 300 cây số để lên thăm mộ em trai là liệt sĩ Phạm Minh Ngọ (SN 1947) tại nghĩa trang Viện Quân y 6, Quân khu Tây Bắc. Trong ảnh, cụ Tỵ xin phép các đồng chí trong Ban Chỉ huy Quân sự TP Sơn La vào nghĩa trang để thăm mộ em trai.
Cụ Tỵ là người con thứ 4, còn ông Phạm Minh Ngọ là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 6 con ở vùng thôn quê Đồng bằng Bắc Bộ. Cuối năm 1967, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Phạm Minh Ngọ xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 28, Quân khu Tây Bắc. Khi nhận được dòng điện báo trong hình “Ngày 17/12/1967, em lên đường nhập ngũ, em chúc các anh chị, các cháu mạnh khỏe” của em trai, bà Tỵ và những người anh chị em khác của mình cũng không thể ngờ được đây là dòng liên lạc cuối cùng.
Ông Ngọ bị thương nặng phải nằm viện và qua đời tại Bệnh viện Quân y 6 vào ngày 5/3/1968. Nhận được giấy báo tử của em trai tại quê nhà, cụ Tỵ khóc ngất. Khi chiến tranh kết thúc và nhiều năm sau đó, tin tức về phần mộ của liệt sĩ Ngọ vẫn bặt vô âm tín.
Năm 2012, qua thông tin của Huyện đội Hưng Hà (thái Bình), cụ Tỵ mới biết được em trai đang yên nghỉ tại nghĩa trang Viện Quân y 6, Quân khu Tây Bắc (TP Sơn La). Năm 2014, cụ Tỵ và em trai Phạm Văn Chuyên (SN 1935) cùng các con cháu cố gắng lên Sơn La thăm mộ liệt sĩ Ngọ
Năm 2018, khi bước sang tuổi 85, thấy sức mình vẫn còn đi lại được, cụ Tỵ cùng các con cháu thuê xe lên Sơn La thăm mộ em
Đôi tay nhăn nheo run rẩy, cụ Tỵ cẩn thận cầm chiếc khăn lau mộ em trai. Giờ đây bước sang tuổi 88, cụ Tỵ chỉ có nguyện vọng cuối cùng là đưa được phần hài cốt của trai về quê nhà an nghỉ.