Nếu bạn đang cảm thấy chán nản với công việc hiện tại, hãy dừng lại một chút để tự vấn bản thân. Lý do bạn làm công việc này là gì? Bạn nhận lương để làm việc gì? Và đâu là những điều bạn không hài lòng trong công việc hiện tại? Sẽ không có cái gọi là "công việc hoàn hảo" trên đời này. Liệu bạn có đang kỳ vọng quá cao về những gì bạn muốn nhận được trong công việc, so với những gì bạn bỏ ra? Sau khi nhìn nhận thực tế và cân nhắc kỹ lưỡng, có thể bạn sẽ bớt cảm thấy bất công hay giải thích được những điều mà mình chưa hài lòng.
Hãy lập một danh sách những điều mà bạn cảm thấy thích hoặc đánh giá cao về công việc hiện tại. Như, đồng nghiệp của bạn có phải là những người tốt mà bạn hy vọng được làm việc cùng không? Các tùy chọn làm việc tại nhà và lịch trình linh hoạt của công ty có giúp bạn có thêm không gian và thời gian để theo đuổi những đam mê khác? Chế độ tiền thưởng trong ngày lễ như thế nào? Phòng ăn của công ty có loại đồ ăn mà bạn yêu thích? Bất kể là lớn hay nhỏ, hãy ghi lại những điều tích cực về công việc và đặt nó ở nơi mà bạn dễ nhìn thấy. Đó sẽ là lời nhắc nhở mỗi khi bạn cảm thấy bất mãn hoặc chưa suy nghĩ thông suốt về những khó khăn trước mắt. Thay đổi từng bước nhỏ có thể đưa bạn đi đúng hướng, khiến công việc hàng ngày của bạn trở nên thú vị hơn.
Bạn có thể tìm lại nhiệt huyết với công việc hiện tại bằng cách đặt ra mục tiêu tiếp theo trong một mốc thời gian cụ thể. Bạn có muốn học thêm một kỹ năng mới? Bạn muốn bao lâu thì được thăng chức? Bạn có định khởi động một dự án lớn? Dù là bất cứ điều gì, hãy biến nó thành một mục tiêu chắc chắn bằng cách vạch ra kế hoạch cụ thể, khả thi và đặt ra ngày kết thúc mục tiêu. Tạo ra một điều lớn lao hơn để hướng tới sẽ giúp bạn có động lực và phấn chấn mỗi khi nghĩ về công việc.
Bạn nên xem xét sự phát triển cá nhân để có thể đưa sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới. Bạn hãy tìm hiểu những gì mình cần học hỏi để tiến bộ. Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc một lĩnh vực nào đó có tính chất thay đổi liên tục, bạn cần không ngừng cập nhật các kỹ năng của mình. Trong trường hợp này, bạn nên tìm kiếm các lớp học hoặc các hội thảo phù hợp để giúp bạn tích lũy thêm kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để thăng tiến trong sự nghiệp và tìm được niềm yêu thích với công việc của mình. Bên cạnh đó, bạn có thể cân nhắc đảm nhận thêm các dự án để có thể phát huy tối đa các kỹ năng của mình. Nếu sếp giao cho bạn một công việc mà bạn cảm thấy vượt quá khả năng của mình, hãy thử chấp nhận nó. Ban đầu, công việc có thể gặp một chút khó khăn nhưng kết quả cuối cùng có thể giúp bạn phát triển cả về mặt chuyên môn lẫn cá nhân.
Nếu bạn không thay đổi không gian làm việc của mình trong một thời gian dài, vậy thì cũng không có gì ngạc nhiên khi bạn dần trở nên mất hứng thú với công việc. Bạn có thể sắp xếp lại một vài đồ đạc xung quanh chỗ làm việc của mình, đặt một chậu cây hoặc trang trí bàn làm việc của mình bằng những bức ảnh của người thân, hoặc treo những câu nói truyền cảm hứng cho bạn. Bạn hãy đặt chúng ở vị trí cách xa màn hình máy tính để phân tán sự chú ý của bạn khỏi công việc trong một thời gian ngắn. Cách này có thể giúp bạn thư giãn đầu óc và tập trung trở lại cho công việc tốt hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn