Vượt qua nỗi đau mất chồng
Cách đây ít ngày, tòa án xét xử đường dây buôn bán người trong vụ án 39 nạn nhân người Việt Nam tử vong trên chuyến xe tại vùng Essex nước Anh. 4 năm đã qua sau vụ việc đau lòng nhưng nỗi đau chưa thể nguôi ngoai với những người thân của các nạn nhân. Một trong số những người đó là chị Nguyễn Thị Hoài Sen, hiện đang sống cùng con gái tại xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Kết hôn năm 2015, chị Sen là một nhân viên y tế trường học, còn chồng chị có trang trại lợn. Ngoài những giờ làm việc ở trường, chị còn phụ giúp chồng mình nuôi lợn. Hai người có một cô con gái nhỏ. Năm 2019, biến cố ập đến với gia đình nhỏ, chồng chị là 1 trong số 39 nạn nhân trên chuyến xe định mệnh, lạnh lẽo ở nước Anh. Chị Sen suy sụp khi mất đi người chồng thân yêu. Động lực để chị sống tiếp chính là cô con gái.
"Nỗi đau quá lớn, con gái tôi mất bố cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Rôi đến một ngày, tôi nhận ra rằng, mình phải gạt đi những giọt nước mắt để chăm sóc, nuôi dạy, làm chỗ dựa cho con gái. Nhưng khi quyết định đứng lên, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào. Rồi tôi nhìn sang chuồng heo trống trải mà chồng để lại, tôi cũng có chút ít kinh nghiệm rồi. Công việc sẽ giúp nguôi ngoai nỗi buồn, tôi nhập những con lợn giống nhỏ bé đầu tiên về, và bắt đầu mọi thứ...", chị Sen chia sẻ.
Chị vừa làm vừa học, nhận được một số sự trợ giúp, từ vài con giống ban đầu, đàn lợn của chị Sen dần đông lên. Vất vả là rất nhiều, thức khuya dậy sớm, lo từng bữa ăn cho đàn lợn, đầu tư công sức và tiền vốn nhưng chị Sen thu về chẳng được bao nhiêu. Chất lượng thịt lợn cũng chỉ bình thường, đầu ra thì bấp bênh, phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, chị Sen nhận thấy người chăn nuôi quá thiệt thòi.
Từng làm nhân viên y tế trường học, chị Sen cũng mong muốn miếng thịt lợn làm sao phải thật ngon, thật sạch, thật chất lượng, nhiều dinh dưỡng đến với trẻ nhỏ và bà con. "Cứ nuôi mãi bằng cám theo kiểu thông thường, chất lượng thịt sẽ không được cải thiện, doanh thu từ nuôi lợn cũng chẳng ăn thua", chị Sen nghĩ vậy.
Cho heo ăn thảo dược "xịn"
Vùng Sơn Lộc, Bố Trạch (Quảng Bình) vốn có nguồn cá biển chất lượng, giá thành lại rẻ. Thêm nữa, nguồn cây dược liệu, thảo dược ở vùng đất này cũng sẵn và sạch. Gừng, tỏi, riềng, nghệ đen, cây hoàn ngọc, cây chè khổng lồ, mật gấu, đinh lăng... những vị thảo dược quý, đặc tính rất tốt thì đều là dạng "có sẵn ngay vườn nhà" ở vùng Sơn Lộc này.
Chị Sen nảy ra ý tưởng "tại sao không cho lợn ăn những thứ này". Một ý tưởng có vẻ giống kiểu "người Nhật cho bò nghe nhạc" nhưng nếu như giá thành để tạo ra những con bò chất lượng cao đó rất đắt thì ở Quảng Bình, nếu cho lợn ăn những thứ này, chi phí còn thấp hơn cho ăn cám công nghiệp.
Ý tưởng thì là vậy nhưng thực hiện thì không hề đơn giản. Với người chăn nuôi, đâu phải muốn cho gì là vật nuôi đã ăn, rồi còn phải cho ăn như thế nào lợn mới ăn được. Là người có kiến thức về y tế, dinh dưỡng, kết hợp kinh nghiệm chăn nuôi ngày một nhiều lên, chị Sen bắt đầu tự mày mò nghiên cứu ra công thức thức ăn cho đàn lợn của riêng mình.
Đàn heo vẫn ăn cám, thảo dược sẽ là một phần công thức. Cùng với cám từ lúa ngô, chị Sen bắt đầu đưa vào thức ăn các thành phần bao gồm cá, vỏ sò (để tạo canxi), các loại thảo dược như gừng, giềng, sả, lá cây hoàn ngọc... Các thành phần này được xay nhuyễn, ủ men vi sinh, trộn vào cám rồi ủ qua đêm, nén thành hạt. Thức ăn mới với những thành phần thảo dược "xịn" này được đem cho những chú lợn đầu tiên ăn. Những chú lợn đã chén ngon lành.
Nguồn thức ăn cho heo với cá, cây thảo dược, gừng..., đều là những sản phẩm bản địa
Dịch bệnh là cơn ác mộng đối với người chăn nuôi, đã rất nhiều hộ nông dân chăn nuôi phá sản, lâm bước đường cùng bởi dịch bệnh. Ăn thảo dược, đàn lợn của chị Sen khỏe mạnh hơn, tránh được dịch bệnh và cho ra thứ thịt thơm ngon đặc biệt, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với thông thường.
Với quá trình này, những ai biết về chăn nuôi sẽ thấy rằng không hề đơn giản, ở đó là sự táo bạo, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người phụ nữ.
Phát triển thương hiệu "Heo thảo dược Hoài Sen"
Bên cạnh nâng cao chất lượng thịt lợn, chị Sen cũng dần tự phát triển đầu ra sản phẩm để không còn quá phụ thuộc vào thương lái. Mô hình dần lớn lên, chị Sen thành lập Hợp tác xã nông nghiệp an toàn Tâm Sen, đăng ký sở hữu bản quyền thương hiệu "Heo thảo dược Hoài Sen". Các khâu đóng gói, nhãn mác, phân phối, truyền thông cho sản phẩm, chị Sen quyết định đi học thêm để nâng cao.
"Trong suốt quá trình phát triển chăn nuôi, phát triển mô hình của mình, tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều. Hiện này chị em phụ nữ khi khởi nghiệp được tạo điều kiện hỗ trợ tốt lắm, được tham gia nhiều khóa đào tạo để nâng cao kiến thức kinh doanh. Tôi lập hồ sơ để tham dự Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa" năm 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Mô hình "Dự án khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong tổ chức chăn nuôi heo thảo dược thức ăn vi sinh theo chuỗi có kiểm soát" của tôi được giải đặc biệt cấp vùng Khu vực miền Trung, rồi đoạt giải nhì toàn quốc của cuộc thi. Bước lên sân khấu, được Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga trực tiếp trao giải, tôi vinh dự lắm. Tham dự cuộc thi, tôi còn được gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp với những mô hình khác nhau trên khắp cả nước, tôi đã học hỏi được thêm nhiều điều. Sau cuộc thi, thương hiệu Heo thảo dược Hoài Sen của tôi được biết đến nhiều hơn", chị Hoài Sen chia sẻ.
Hiện tại, quy mô đàn lợn thường xuyên trong trang trại của chị Hoài Sen là 500-600 con, lợi nhuận mỗi năm thu về ước tính khoảng 1,2 tỉ đồng. Sản phẩm thịt heo sạch ăn thảo dược Hoài Sen được phân phối chủ yếu tại tỉnh Quảng Bình, chị Sen mong muốn sẽ mở rộng được thị trường, muốn sản phẩm của mình có mặt nhiều hơn tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Từng làm việc tại trường học, mong muốn tiếp theo của chị Sen là sản phẩm là có mặt trong các bữa ăn của các em nhỏ.
Đứng dậy sau nỗi đau, phát triển chăn nuôi đem về nguồn thu tốt, chị Sen tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Chị đã trích lợi nhuận thu được từ bán thịt lợn để nhận đỡ đầu 1 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó trên quê hương mình.
Niềm vui lớn lao nữa của chị Sen là con gái dần lớn lên, chăm ngoan và rất thương mẹ, hai mẹ con cùng bên nhau với những yêu thương đong đầy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn