Biết thế thà… “nhịn”
Trước kia, do phương tiện thông tin còn hạn chế nên mỗi lúc đi xa chỉ có thể “hai phương trời cách trở”. Ngày nay thì hoàn toàn khác. Họ có thế “gặp” nhau mỗi ngày qua email, facebook, điện thoại, chat… Thậm chí còn có thể nhìn mặt nhau qua webcam, facetime, tango, skype… Thế nhưng, sau đó vẫn có người dậm chân kêu trời. Tại sao?
Thời buổi hiện đại, dù xa nhau vợ chồng vẫn “gặp” được nhau mỗi ngày qua mạng, điện thoại…
Có nhiều ông chồng từ ngày vợ đi xa, ban đầu ủ rũ như gà rù, động vào đâu cũng lúng ta lúng túng. Ở ngay trong nhà mình nhưng cảm thấy xa lạ bởi chẳng biết sử dụng cái máy giặt thế nào, ủi cái áo, là cái quần cũng khó nhọc… Rồi đêm ngủ, nhớ mùi hương quen, họ cảm thấy giường chiếu lạnh lẽo quá. Họ đếm từng ngày, mong vợ về gấp. Chà, những lần ấy trao đổi qua điện thoại, email nồng nàn lắm, thương nhớ lắm. Được thế, tốt quá. Nhưng rồi, dần dà người ta phải tìm cách thích nghi.
Những cuộc bù khú với bạn bè diễn ra nhiều hơn, đã thế, có thể giỡn hớt, tán tỉnh lăng nhăng, kề vai cầm tay các cô tiếp thị bia, mỹ nữ phục vụ quán mà không phải “nhìn trước ngó sau” e dè, sợ sệt, cảnh giác. Những tưởng cô vợ xa tít chân trời chẳng thể nào biết được. Nào ngờ, những lúc say sỉn tèm nhem ấy, bạn bè ngồi chung bàn với anh cao hứng “bắn” loạt hình “nhậy cảm” ấy lên facebook. Thế là toi mạng. Lập tức, cô vợ đùng đùng nổi giận. Không ngờ “đức lang quân” gương mẫu lại đổ đốn đến thế. Những hình ảnh ấy là chứng cứ khiến về sau gia đình ầm ầm sóng gió. Ai có thể biết “đằng sau” hình ảnh ấy, còn xảy ra chuyện gì nữa? Sự nghi ngờ đó đã khiến tình cảm xáo trộn nhiều lắm.
Lúc chung sống, thời gian biểu được thiết lập đâu vào đó. Nay 1 trong 2 người đi xa, mà có khi xa nhau cả tháng trời thì họ đều cảm thấy chông chênh, trống vắng. Thời điểm này, lẽ ra là thế này, nhưng rồi bây giờ biết làm gì? Có người ban đầu chỉ nhằm “giết thời gian”, chứ chẳng hề có “âm mưu” gì nhưng rồi sự việc lại vượt ra ngoài giới hạn. Một buổi chiều nhàn rỗi, tự dưng lòng buồn vui vu vơ, người chồng bèn nhắn tin cho cô bồ cũ hẹn hò vào quán cà phê ngồi “ngắm nắng”. Thế rồi, lúc vợ về, mọi việc trở nên rắc rối bởi những cuộc hẹn hò ấy đã “quen mùi”, anh chồng biết lấy đâu ra thời gian để chu toàn “trong ấm ngoài êm”? Nếu vợ không đi xa, làm gì có điều kiện gặp cô bồ cũ? Biết thế, lúc ấy thà “nhịn” cho xong!
Những tin nhắn, những cuộc điện thoại réo rắt, thái độ bất thường tự nó sẽ tố cáo mọi việc
“Chẳng gì giấu được dưới nắng mặt trời”
Anh bạn tôi có vợ là giảng viên đại học, mỗi năm chị đi dạy vài tháng ở nước ngoài. Tình chồng nghĩa vợ gắn bó lâu nay, chẳng có gì phải lo lắng. Duy lần nọ chẳng may ốm đột ngột, nơi xứ người “lạ nước lạ cái”, may quá chị được một nam đồng nghiệp người bản xứ đưa vào bệnh viện. Thái độ chăm sóc tận tụy, hỏi han ân cần của anh ta đã khiến chị xao xuyến tự lúc nào không rõ. Những ngày chị bệnh, chồng lại xa tít nơi quê nhà, chẳng thể an ủi, chăm nom được gì. Giây phút ấy “mềm lòng” ấy, liệu người trong cuộc có dễ vượt qua?
Khó có thể khẳng định “xa mặt cách lòng”, bởi còn tùy vào sự thủy chung của mỗi người. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, trước lúc làm một việc gì cũng nên suy nghĩ chín chắn “ăn làm sao, nói làm sao” với vợ/chồng nếu sự việc vỡ lở? Lúc ấy, giấu cái mặt vào đâu cho khỏi xấu hổ? Đã thế, chỉ trong một phút bồng bột hoặc “mềm lòng” lại đánh đổi rất nhiều thứ mà lâu nay cả hai cùng gìn giữ, vun vén từng ngày.
Hãy không ngoan chọn lấy sự bình yên của chính gia đình mình
Sự bền lòng, tin tưởng nhau là nghĩa vụ của cả hai. Đừng tưởng trong thời gian đi xa, có thể “say nắng” bởi người ở nhà tài thánh gì mà biết được! Không đâu. Tục ngữ có câu, ngẫm lại thấy đúng quá: “Chẳng gì có thể giấu được dưới nắng mặt trời”. Thôi thì, cứ biết là thế. Khi phải sống xa nhau một khoảng thời gian vì lý do gì đó, hãy khôn ngoan chọn lấy sự bình yên bằng cách cùng tự nhủ: “Gìn vàng, giữ ngọc cho hay/Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Câu Kiều ấy vẫn là lời dặn dò rất thời sự đấy chứ?