Ngày 21/8, chia sẻ với các phóng viên tại Geneva, Thuỵ Sĩ, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO phát biểu: "Chúng tôi hy vọng kết thúc đại dịch trước 2 năm. Tận dụng những công cụ sẵn có một cách tối đa và hy vọng rằng, chúng ta có thể có thêm những công cụ như vaccine để vượt qua được dịch bệnh".
Theo Telegraph, khi đưa ra ước lượng thời gian này, ông Tedros có so sánh với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, một dịch bệnh cũng đã phải mất 2 năm để thế giới vượt qua.
Tuy nhiên ông Tedros chia sẻ thêm rằng, các tiến bộ công nghệ hiện nay có thể giúp nhân loại chặn đứng Covid-19 "trong khoảng thời gian ngắn hơn" mặc dù đúng là càng nhiều kết nối, virus càng có cơ hội lây lan nhiều hơn.
Tính đến nay, Covid-19 đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 23 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 800.000 trường hợp tử vong. Cúm Tây Ban Nha, đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại, đã khiến hơn 50 triệu trường hợp tử vong trong số hơn 500 triệu người nhiễm (tương đương 1/3 dân số thế giới thời điểm đó).
Số nạn nhân tử vong vì đại dịch cúm Tây Ban Nha nhiều gấp 5 lần nạn nhân thiệt mạng trong Thế chiến I. Những nạn nhân đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ, trước khi dịch lan sang châu Âu và toàn cầu. Dịch cúm Tây Ban Nha xuất hiện theo 3 đợt, trong đó đợt 2 chết chóc nhất bắt đầu vào nửa cuối năm 1918.
Theo ông Michael Ryan, người đứng đầu các chương trình khẩn cấp của WHO, phải mất tới 3 đợt để dịch bệnh lây nhiễm cho hầu hết những người dễ bị ảnh hưởng. Sau đó, virus cúm tiến hoá thành một loại bọ theo mùa ít gây chết người hơn và đã quay lại suốt nhiều thập kỷ.
Ông Ryan lý giải: "Thông thường, theo thời gian, một virus đại dịch sẽ biến đổi thành dạng theo mùa. Tuy nhiên, đến nay, nCoV chưa cho thấy mô hình tương tự như trên. Rõ ràng, khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, nó hoàn toàn có thể bùng phát trở lại".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn