Câu chuyện về xã hội hóa vaccine Covid-19 vẫn tiếp tục được dư luận quan tâm khi mà nhu cầu được tiếp cận nhanh nhất vaccine trong bối cảnh dịch bùng phát của người dân vẫn hiện hữu.
Theo quan điểm của TS Dương Thị Thu Hương, để ngân sách "gồng gánh" toàn bộ việc mua và chi trả vaccine Covid-19 là gánh nặng lớn của kinh tế, đặc biệt với Việt Nam, khi thu nhập trung bình vẫn ở mức thấp như hiện nay. Chính vì vậy, xã hội hóa vaccine là việc làm cần thiết, trên cơ sở tính toán thận trọng, kỹ lưỡng từ phía Nhà nước.
Theo TS Dương Thị Thu Hương, để việc xã hội hóa vaccine được khả thi, Chính phủ, đặc biệt Bộ Y tế, cần nhanh chóng đưa ra các phương án thật chi tiết, hợp lý để đảm bảo ai cũng có thể tiếp cận được vaccine.
"Việc cùng nhau góp nguồn lực để bao phủ vaccine nhanh chóng cho đông đảo người dân là cách tốt nhất để Việt Nam nhanh chóng đạt hiệu quả về tiêm chủng vaccine Covid-19, làm sao để nhóm người có khả năng chi trả vừa nhanh chóng sớm tiếp cận được nguồn vaccine, nhưng đồng thời nhóm đối tượng yếu thế, khó khăn hơn cũng được tiếp cận nguồn vaccine dựa trên sự đóng góp, xã hội hóa này", nữ tiến sĩ nêu quan điểm.
Đây cũng là vấn đề mang tính sống còn của tiêm chủng vaccine, bởi theo TS Dương Thị Thu Hương, nếu chỉ nhóm có nguồn lực được tiếp cận vaccine thì không hiệu quả về mặt xã hội. Nhóm người dân có mức thu nhập trung bình, người nghèo vẫn chiếm phần lớn, vì vậy khi dịch bệnh xảy ra thì việc kiểm soát dịch không thể thực hiện được khi chỉ một nhóm nhỏ được tiếp cận vaccine. Thậm chí, nhóm nhỏ này còn có tâm lý chủ quan, gây nguy cơ lây nhiễm dịch cao hơn.
"Để làm được điều này, Nhà nước vẫn là đầu mối quản lý được chất lượng vaccine, nhập khẩu, bảo quản, phân phối… Có thể xã hội hóa về tiền và nguồn lực để mọi đối tượng công dân đều được tiếp cận vaccine, nói cách khác là cần đa dạng hóa tính xã hội hóa vaccine Covid-19 để đảm bảo công bằng, không có bất cứ ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là người nghèo, nhóm yếu thế", nữ tiến sĩ khẳng định.
TS Dương Thị Thu Hương đơn cử, các công ty có nguồn lực lớn, các nhà đầu tư ở các khu công nghiệp muốn hỗ trợ để tiêm vaccine cho công nhân - là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao thì có hướng hỗ trợ cho nhóm này. Để đảm bảo công bằng, có thể tiến hành một khảo sát để xác định nhóm đối tượng có khả năng tự chi trả, đồng thời xác định tiêu chí đối với các nhóm yếu thế cần được hỗ trợ tiêm vaccine (như lao động di cư, lao động tự do phi chính thức, nhóm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các nhóm cần ưu tiên khác như bộ đội, cán bộ y tế, giáo viên…).
TS Dương Thị Thu Hương nhấn mạnh, vai trò đầu mối của Nhà nước rất quan trọng, cân bằng được yếu tố kinh tế và xã hội, bởi không ít doanh nghiệp muốn đặt lợi nhuận lên hàng đầu thay vì ưu tiên chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Một vấn đề nữa theo TS Dương Thị Thu Hương cũng cần đặc biệt lưu tâm là việc xã hội hóa vaccine Covid-19 cần có quản lý truyền thông tốt, tránh gây khủng hoảng truyền thông, gây mất niềm tin của người dân hoặc người dân không chủ động đi tiêm, chưa ý thức được hết hiệu quả của vaccine.
"Truyền thông làm sao để người dân hiểu và chia sẻ lợi ích của cá nhân và đất nước. Bên cạnh việc triển khai cụ thể hóa cách thức xã hội hóa, việc có những thông điệp về vaccine, xã hội hóa vaccine chính xác hiệu quả, nhanh chóng đến được với các người dân, doanh nghiệp tổ chức thì tôi tin là người dân và cả cộng đồng sẽ đồng lòng thực hiện", TS Dương Thị Thu Hương bày tỏ.
* Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn