Sáng 5/11, Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình mới đã diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 10 tháng (từ tháng 12/2022 đến tháng 10/2023), cả nước xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 134 người, bị thương 101 người. Về tài sản, ước tính thiệt hại 229,75 tỷ đồng và 207 ha rừng. So với 10 tháng đầu năm 2022, số vụ cháy và sự cố cháy giảm 1.367 vụ (tương đương 31,8%), nhưng số người chết tăng 36 người, bị thương tăng 22 người; thiệt hại về tài sản giảm 337,92 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Công an cũng cho thấy, địa bàn xảy ra cháy phần lớn tại khu vực thành thị, chiếm 66,2%; số vụ cháy ở nông thôn chiếm 38,2%. Về nguyên nhân các vụ cháy, báo cáo cho biết 61,6% là do sự cố hệ thống, thiết bị điện; lý do sơ xuất bất cản khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 16,6%; vi phạm quy định an toàn PCCC chiếm 0,9%; sự cố kỹ thuật chiếm 1,8%; tác động hiện tượng thiên nhiên chiếm 1,1%; tai nạn giao thông chiếm 0,7%; tự cháy chiếm 3,2% và nguyên nhân khác chiếm 14%. Số vụ chưa tìm ra nguyên nhân, tiếp tục điều tra chiếm 34,9%.
Trong số 50 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, xảy ra chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh; có nhiều khu công nghiệp, tập trung tại các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng dễ cháy; các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người chủ yếu xảy ra tại nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini). Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy chung cư mini ngày 12/9/2023 tại Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, làm chết 56 người.
Qua số liệu từ báo cáo, Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhất là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để có giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nội dung báo cáo của Bộ Công an. Báo cáo đã thẳng thắn đánh giá toàn diện về tình hình, kết quả, hạn chế, tồn tại, khó khăn, chỉ ra nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp để công tác PCCC đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, cần nghiêm túc nhìn nhận công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khẩn trương, quyết liệt khắc phục.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ rõ cần luôn xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, để có chủ trương, chính sách đúng, kịp thời, phù hợp. Phải đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tổ chức thực hiện, công tác PCCC phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chú trọng huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn dân; xác định người dân, doanh nghiệp là mục tiêu, là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ, mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc, ấm no của người dân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn