Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên có văn hóa ẩm thực độc đáo, đi kèm với những món ăn truyền thống ngon và lạ, đó là các loại muối chấm hấp dẫn. Các loại muối chấm không chỉ làm nên hương vị độc đáo và riêng biệt cho từng món ăn, mà còn là lễ vật cúng thần linh trong các lễ hội...
Đối với đồng bào Tây Nguyên, muối chấm luôn có sẵn trong gian bếp của mỗi gia đình từ bao đời nay. Các loại muối dùng để chấm hoặc ăn kèm với một loại thức ăn nào cho thích hợp thì rất phong phú, như cơm lam chấm với muối đậu, bò một nắng chấm với muối kiến...
Cỏ thơm có ở hầu khắp vùng Tây Nguyên, mà người Jrai gọi là cỏ Groach. Cỏ này cùng họ với cỏ gấu, chỉ khác là trên ngọn Groach có vô vàn hạt nhỏ li ti, nối với nhau thành từng chuỗi trông rất đẹp mắt, giống cái dây chuyền (Groach) của phụ nữ Tây Nguyên ngày xưa hay đeo trên cổ, nên gọi là cỏ Groach. Đây là một loại cỏ hiếm, mỗi năm xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn. Nó mang trong mình thứ hương thơm độc đáo và lạ, chỉ cần đi ngang đã ngửi thấy mùi thơm nhẹ. Vì vậy từ lâu người dân địa phương đã sử dụng nó trong ẩm thực, tạo ra thứ muối cỏ thơm làm say đắm lòng người.
Chị Rơ Ô H’Rin (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) chia sẻ: Dù từng được sử dụng nhiều trong đời sống hằng ngày, song ngay cả những người lớn tuổi nhất ở các buôn làng cũng không biết được tổ tiên của mình sử dụng loại cỏ này từ khi nào. Họ chỉ phỏng đoán, từ những ngày khai hoang đói khổ, thấy loại cỏ có mùi thơm đặc biệt, những người con của núi rừng Tây Nguyên đã mang về giã cùng các loại cây cỏ gia vị khác để phục vụ bữa ăn hằng ngày.
Ngày trước, ở Tây Nguyên nhiều vùng có cỏ thơm. Giờ cỏ ít dần, nhiều người đã cố công đào cây, mang hạt về ươm trong vườn nhà nhưng cỏ vẫn héo rũ rồi chết. Người dân do đó ngày càng phải đi xa hơn để tìm kiếm nhưng cũng không được nhiều. Chị H' Rin chia sẻ, mùi của cỏ thơm không hề giống bất cứ một loại cây gia vị nào khác. Vì cỏ ngày một khan hiếm nên chị thường phải dặn trước những người thường đi rừng cả năm trời và mua hàng chục bó nhỏ treo ở gian bếp, để làm những mẻ muối cung cấp ra thị trường bất cứ khi nào khách hàng cần.
Là người con của Tây Nguyên, ban đầu, chị H' Rin làm muối chấm chỉ để ăn và tặng người thân, sau qua tìm hiểu thấy được sự độc đáo từ sản phẩm "cổ truyền" của địa phương mình, chị đã cho ra đời sản phẩm Muối cỏ thơm H’ Rin của Hộ kinh doanh Rơ Ô Jin với mong muốn gìn giữ thứ mĩ vị quý báu của người dân Tây Nguyên, đồng thời giới thiệu nó như một cách quảng bá ẩm thực và văn hóa của mảnh đất đại ngàn hùng vĩ đến với nhiều người hơn nữa.
Sản phẩm Muối cỏ thơm H’ Rin có vị cay nồng của ớt, vị mặn của muối và hương thơm đặc biệt của cỏ Groach tạo thành một gia vị khó lẫn giữa muôn vàn món ngon vật lạ trên đời. Các nguyên liệu tạo nên sản phẩm đều được lựa chọn kỹ càng. Quy trình chế biển theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, vì thế người tiêu dùng hoàn toàn có thể an tâm khi sử dụng sản phẩm. Muối cỏ thơm H’ Rin có thể dùng để chấm với tất cả các loại đồ ăn và trái cây để làm nổi bật hương vị của món ăn nhưng phù hợp nhất vẫn là kết hợp cùng thịt nướng và thịt gác bếp. Hoặc bạn cũng có thể dùng nó để chấm với hải sản và gà để tạo ra một hương vị mới lạ so với cách chế biến truyền thống.
OCOP chính là các báu vật của từng làng quê. Nó có thể có quy mô không lớn nhưng nó độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra nó. Đây chính là then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thương trường.
Từ "câu chuyện sản phẩm", Muối cỏ thơm H'Rin của chị đã đạt danh hiệu OCOP 3 sao năm 2022. Đến thời điểm này cả nước đã có gần 7.000 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 5.021 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Hầu hết các sản phẩm đạt 4 sao trở lên đều làm tốt phần "câu chuyện sản phẩm" của mình.
Qua câu chuyện về sản phẩm của chị Rơ Ô H’Rin, chúng ta có thể thấy rằng "Câu chuyện sản phẩm" là lý do tạo nên sự khác biệt và cuốn hút mọi người. Nó mang giá trị vô hình, có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của khách hàng, thay đổi hành vi của khách hàng, có thể tạo nên thương hiệu của sản phẩm, mang đến suy nghĩ vượt ra ngoài tiện ích và chức năng của sản phẩm, dịch vụ, trở thành một phần lý do họ mua hàng. Bán sản phẩm OCOP chính là bán câu chuyện sản phẩm.
Chị H'Rin, Thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai
Bên cạnh những thành công bước đầu, việc phát triển và mở rộng quy mô sản xuất đối với cá nhân chị H'Rin nói riêng cũng như nhiều chị em phụ nữ nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong quá trình hỗ trợ phụ nữ triển khai Chương trình OCOP các cấp Hội, nhất là tổ chức Hội ở cơ sở, cần:
- Định hướng, phát huy vai trò của phụ nữ trong vai trò "thủ lĩnh" trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương…
- Hỗ trợ thúc đẩy khai thác các giá trị văn hóa, tri thức bản địa trong sản phẩm OCOP, đặc biệt là hình thành các câu chuyện sản phẩm đặc sắc, mang bản sắc địa phương, vùng miền, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.
- Phát huy thế mạnh của Hội LHPN để hình thành các diễn đàn kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc, có thể hình thành các "Điểm đến" về sản phẩm OCOP gắn với vai trò của phụ nữ tại các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu.
- Tăng cường kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế số cho phụ nữ nông thôn, đặc biệt là các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP. Hình thành không gian để phát huy, tạo sự lan tỏa về các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa của sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn