Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Bài 2: Tìm về cội nguồn hình thành đạo đức cách mạng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh

07:17 | 27/07/2024;
Những lời ru của bà ngoại, của mẹ và sự quan tâm, yêu thương của gia đình, làng xóm… văn hóa gia đình đã góp phần hình thành nhân cách cao đẹp trong cậu bé Nguyễn Sinh Cung.

Từ lời ru ngọt ngào đến nhân cách Hồ Chí Minh

"Con ơi mẹ dạy câu này

Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm

Làm người đói sạch rách thơm

Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền".

Đó là những lời ru ngọt ngào đậm chất dân ca xứ Nghệ mà cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được nghe mẹ ru từ thuở lọt lòng. Lời ru ấy đã thấm vào trong tâm hồn, tình cảm và cả trí làm trai của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nho học với vốn chữ Hán uyên thâm, ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, đậm đà những làn điệu dân ca trữ tình, bà Hoàng Thị Loan - mẫu thân của Bác Hồ và những người phụ nữ trong gia đình Bác am hiểu sâu sắc về lễ nghĩa và bản sắc văn hóa truyền thống. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã dần lớn lên trong những lời ru êm ái, trữ tình, thấm đượm những làn điệu dân ca sâu lắng, tiếng hát dặm xứ Nghệ quê hương. Bà ngoại Nguyễn Thị Kép đã dùng tiếng ru, lời ca để ru mẹ Bác qua tuổi ấu thơ. Nay mẹ Bác lại cất tiếng ru ấy khi cậu bé Nguyễn Sinh Cung vừa lọt lòng để mở ra một thế giới tuổi thơ êm đềm, ấm áp.

Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Bài 2: Tìm về cội nguồn hình thành đạo đức cách mạng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh- Ảnh 1.

Làng Hoàng Trù - Quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: baonghean.vn

Đêm đêm dưới mái nhà tranh nhỏ bé, thân thương ở làng Hoàng Trù quê ngoại, hòa cùng với tiếng thoi đưa, bà Hoàng Thị Loan đưa võng ru những đứa con thân yêu của mình, trong đó có cậu bé Nguyễn Sinh Cung đi vào giấc ngủ. Những câu hát ru đầy chất thơ, thấm đậm những hình ảnh của cuộc sống bình dị nơi thôn quê. Đó là những rặng tre, lối xóm hay là những đạo lý truyền thống của dân tộc ta:

"Ru con con ngủ à ơi

Trông con mau lớn nên người khôn ngoan

Làm người gánh vác giang san

Mẹ cha trông xuống, thế gian trông vào

Ru con, con ngủ đi nào

Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng

Làm trai quyết chí anh hùng

Ra tay đánh giặc, vũng vầy nước non".

Trong tiếng ru của người mẹ đã hiện lên tình cảnh nước mất nhà tan, một dân tộc đang chịu xiềng xích nô lệ của thực dân và phong kiến. Tiếng ru ấy còn có cả ước mơ của người mẹ khi nuôi con mong muốn con lớn khôn chăm lo đèn sách, làm người hiểu biết, thể hiện chí anh hùng của mình để "gánh vác giang san".

Lời ru của mẹ - bài học đầu tiên trong cuộc đời của con người thật bình dị, đơn giản nhưng lại có sức lắng đọng sâu sắc trong cuộc đời của mỗi con người. Với Bác Hồ, lời ru ngọt ngào ấy đã nâng bước chân Bác trên mỗi chặng đường ra đi tìm đường cứu nước.

Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Bài 2: Tìm về cội nguồn hình thành đạo đức cách mạng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh- Ảnh 2.

Ngôi nhà cụ Hoàng Đường - nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời. Ảnh: Đình Tuyên

Những làn điệu dân ca, những câu hát ví dặm, đò đưa qua tiếng ru của bà ngoại, của mẹ hay của chị cả dường như đã nhen nhóm lên trong tuổi ấu thơ của Bác một thực tế cuộc sống xã hội Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XIX, đó là một xã hội phong kiến nửa thuộc địa, thân phận người dân phải sống trong kiếp nô lệ lầm than, các giá trị đạo đức bị chà đạp. Từ đó Người có thể cảm nhận được cuộc sống của nhân dân và của cả dân tộc. Từ lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, từ tình cảm thân thương, gần gũi giữa những người thân trong gia đình cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã là điểm xuất phát cho tình yêu quê hương, đất nước trong con người Bác, cũng là nguồn gốc cho những tư tưởng về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời ru ấy đã thấm vào tâm hồn Bác, theo Bác đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời khi Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, một câu hò Huế, một câu hò xứ nghệ… bởi "Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông".

Đạo đức, nhân cách của những người phụ nữ trong gia đình Bác Hồ

Những người phụ nữ trong gia đình Bác, bà ngoại, mẹ và chị gái Nguyễn Thị Thanh chính là những tấm gương để Người noi theo từ thuở ấu thơ. Thông qua những việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày mà họ đã bồi dưỡng, vun đắp tâm hồn trong cậu bé Nguyễn Sinh Cung và những người con, cháu của mình những bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Chính sự chịu thương, chịu khó trong lao động của các thành viên trong gia đình cũng đã bồi dưỡng trong Bác tình yêu lao động, biết say mê và sáng tạo trong mọi công việc.

Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã quen thuộc với hình ảnh của bà, của mẹ một nắng hai sương, luôn tay luôn chân với công việc đồng áng vào ban ngày, đêm buông xuống lại nhịp nhàng với tiếng thoi đưa nhưng nhà cửa vẫn ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Bà ngoại và mẹ Bác đã dạy bảo con cháu mình phải biết làm những công việc phù hợp với sức của mình, nên trong gia đình ai cũng có những công việc riêng. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung ngay từ nhỏ đã giúp mẹ những công việc nhẹ. Đặc biệt năm 1901, khi cha là Nguyễn Sinh Sắc ra làm chủ khảo trường Thanh trong kỳ thi Hương, ở nhà mẹ bị ốm nặng, cậu bé Nguyễn Sinh Cung 10 tuổi đã đảm nhận vai trò lao động chính trong gia đình của mình. Hàng ngày chăm sóc mẹ ốm, sắc thuốc cho mẹ, lại phải bế người em còn nằm ngửa đi khắp nơi xin sữa. Đó là một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng không phải dễ dàng với một cậu bé tuổi lên mười.

Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Bài 2: Tìm về cội nguồn hình thành đạo đức cách mạng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh- Ảnh 3.

Chiếc khung cửi dệt vải của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đình Tuyên

Sau khi mẹ mất ở Huế, cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha trở lại quê ngoại Hoàng Trù, cuộc sống gia đình Bác lúc này gặp nhiều rất nhiều khó khăn. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã cùng với mọi người trong nhà lao động để đỡ đần cho bà ngoại. Người đã ý thức cao trong lao động, cùng gia đình sống bằng sức lao động của chính mình qua các công việc của người nông dân như đi chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng... Sau này, khi đã trên cương vị Chủ tịch nước bận trăm công ngàn việc nhưng những phút nghỉ ngơi Bác vẫn quen tay với các công việc trồng cây, chăm cây, nuôi cá...

Cuộc sống giữa làng quê nghèo nhưng đầm ấm tình người, người dân một nắng, hai sương tần tảo. Gia đình Bác được dân làng quý trọng, yêu mến. Trong cách ứng xử hàng ngày, trong mọi quan hệ xã hội, gia đình Bác luôn rất nhân ái, hòa đồng với tất cả mọi người và đặc biệt rất thương người. Bà ngoại và mẹ Bác luôn dạy con mình "khắc kỷ vị dân" luôn phải giữ lấy phong cách nhà nho: Thanh bạch, cần kiệm, sẵn lòng vì mọi người. Xóm làng yêu mến, quý trọng gia đình Bác Hồ bởi chính lối sống giản dị, gần gũi, thanh tao, yêu thương, sẵn sàng chia sẻ với mọi người của các thành viên.

Tuổi thơ gần gũi, gắn bó với những người dân lao động đã giúp chàng trai Nguyễn Tất Thành sau này có thể thích ứng hiệu quả trong cuộc sống ở mọi hoàn cảnh, để có thể bôn ba xứ người vừa tự kiếm sống, vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước... Hình ảnh những người nông dân, những người lao động, những lớp người khổ cực nhất trong làng Kim Liên vẫn in đậm trong ký ức của Bác Hồ. Sau năm mươi năm xa cách quê hương, năm 1957 khi trở lại ngôi nhà gắn bó với quãng đời tuổi thơ của mình, Người vẫn hỏi thăm những con người bình dị ấy. Còn đối với dân làng Kim Liên thời đó, vẫn còn nhớ những ngày giáp hạt, chị em Bác chịu đói đem bớt gạo nhà mình chia cho những người nghèo khổ không có cơm ăn.

Từ tuổi thơ hòa mình trong cuộc sống khó khăn, vất vả, từ môi trường văn hóa gia đình truyền thống, đã hun đúc, bồi dưỡng nên một nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh. Với nghị lực phi thường, quyết tâm, đối diện với mọi khó khăn, thử thách, vượt lên trên mọi trở ngại trong cuộc sống, những người phụ nữ trong gia đình đã trở thành những tấm gương, những bài học lớn đối với cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Tuổi thơ Bác đã tận mắt chứng kiến sự hy sinh vất vả của mẹ để cho cha mình học hành, luôn phải đương đầu với cuộc sống để có ngày hai bữa cho con mình được no... Những tính cách ấy đã ăn sâu vào tâm trí cậu bé Nguyễn Sinh Cung, hình thành nên một nếp sống giản dị, gần gũi, yêu thương mọi người và hệ tư tưởng về đạo đức cách mạng trong Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Từ thời đại Hồ Chí Minh, khi "mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ"

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã giành được chính quyền cách mạng, chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng mỗi người dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đều một lòng tin yêu theo Đảng, theo Bác và luôn rất đỗi tự hào về những thời khắc lịch sử vẻ vang của đất nước, của dân tộc, được sống khi có Bác Hồ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã như reo lên nói hộ tiếng lòng của dân tộc:

"…Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp nhất

Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn…"

"…Dẫu có bay giữa trăng sao cũng tiếc không được sống phút bây giờ

Buổi đất nước của Hùng Vương có Đảng

Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ

Thịt xương ta giặc phơi ngoài bãi bắn

Lại tái sinh từ Pắc Bó, Ba Tơ..."

Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Bài 2: Tìm về cội nguồn hình thành đạo đức cách mạng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh- Ảnh 4.

Được sống trong thời đại Hồ Chí Minh là một vinh dự lớn lao đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong ảnh là Tết đoàn viên của gia đình Việt. Ảnh: Gia Định

Được sống trong thời đại Hồ Chí Minh là một vinh dự lớn lao đối với mỗi người dân Việt Nam bởi đó là thời đại của những giá trị đạo đức cao đẹp, của tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái. Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại vô cùng oanh liệt, chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trong thời đại Hồ Chí Minh, được học tập, rèn luyện, cống hiến xứng đáng với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế hệ cha ông. Nhân dân ta một lòng đoàn kết, tập hợp dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, được Bác Hồ và Đảng ta giáo dục, rèn luyện, dẫn đường đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, dành lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân…

"Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" và Bác đã làm nhiều hơn những gì Bác nói. Mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận được tình yêu thương của Bác, đều được nhận được sự giáo dục của Bác để trong sáng từ suy nghĩ đến hành động, để luôn sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, chúng ta cần nhân lên những tấm gương điển hình, những ngọn ngọn lửa nhỏ, thắp sáng niềm tin trong nhân dân.

Niềm hạnh phúc của Nhân dân được thụ hưởng những thành tựu đổi mới do Đảng lãnh đạo

Qua 38 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Diện mạo đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được những kết quả tích cực.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…".

Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên giai đoạn mới - Bài 2: Tìm về cội nguồn hình thành đạo đức cách mạng trong Tư tưởng Hồ Chí Minh- Ảnh 5.

Những thay đổi kỳ diệu trên mỗi miền quê, mỗi ngành, lĩnh vực đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mỗi người dân. Các chính sách đền ơn đáp nghĩa, quan tâm đến các gia đình chính sách, người có công, hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế, công tác an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội thường xuyên chăm lo… Mỗi người dân đều cảm nhận được niềm hạnh phúc được sống trong một đất nước hòa bình, chính trị ổn định, kinh tế dần phát triển, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng lên so với khu vực và trên thế giới. Đó là thành quả to lớn mà Đảng ta mang lại.

Trong những ngày này, đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế đang vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc Đức - Trí - Tâm - Tài - Kiên trung, dành trọn cả cuộc đời cho Đảng, cho dân tộc và nhân dân Việt Nam. Suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Cố Tổng Bí thư đã nhận được niềm tin yêu sâu sắc của nhân dân Việt Nam. Ông là tấm gương suốt đời cống hiến cho đất nước, cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì nước, vì dân cho đến giây phút cuối của cuộc đời. Ông từng nói rất giản dị rằng: "Là người, hãy là người Cộng sản", "Danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất". Cố Tổng Bí thư đã dành cả đời mình là một người Cộng sản kiên trung "suốt đời trung thành" với Tổ quốc Việt Nam, đặt lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc lên trên hết, để đấu tranh với cái xấu, cái ác, với tham nhũng, tiêu cực. Về phần mình, ông chọn sống một cuộc đời giản dị, gần gũi, yêu thương mọi người. Sự giản dị của ông và những người thân trong gia đình đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người dân Việt Nam yêu nước, đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay.

Cả cuộc đời hiến dâng cho Đảng, cho dân tộc, cho nhân dân, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là tấm gương thực hành đạo đức cách mạng, với mong muốn và quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đất nước phát triển, phồn vinh, nhân dân ta ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Gần trọn 3 nhiệm kỳ là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tập thể Trung ương Đảng đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thách thức đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, tạo tiềm lực, vị thế và uy tín trên trường quốc tế.

Còn đó những di sản vô giá, những bài viết, những lời căn dặn, những mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho các thế hệ đảng viên cần phải xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải vừa là những người hoạch định đường lối, lãnh đạo nhân dân đấu tranh một cách đúng đắn, khoa học, trí tuệ, vừa là những người trực tiếp đấu tranh hăng hái nhất, anh dũng nhất, hy sinh nhất cho lợi ích của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, thực sự vừa là "người lãnh đạo xứng đáng", vừa là "người đày tớ trung thành" của Nhân dân.

Tài liệu, trang wed tham khảo:

- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam- Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội

- Trang tin điện tử Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

-https://phunuvietnam.vn/mai-mai-ghi-on-nguoi-me-lang-sen-20200127010314803.htm

- https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/dao-duc-cach-mang-trong-tinh-hinh-hien-nay-655117.html

- Hoàng Thị Huế - Phan Thị Hằng Theo Trang thông tin điện tử Khu Di tích Kim Liên Đức Lâm (st) - Tâm Trang

- https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/8264-anh-huong-cua-nhung-nguoi-phu-nu-trong-gia-dinh-den-su-hinh-thanh-nhan-cach-ho-chi-minh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn