Xây dựng cuộc sống mới cho người Đan Lai ở những nơi 100% hộ nghèo (Bài cuối)

09:45 | 02/07/2023;
Ngoài 50 hộ dân người Đan Lai ở Khe Nóng (Châu Khê, Con Cuông, Nghệ An) với 100% hộ nghèo thì ngay cả những bản tái định cư của người Đan Lai trong khu vực, số hộ nghèo cũng sát ngưỡng 100%. Điều đáng mừng là sự kiên trì vào cuộc đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương với đồng bào Đan Lai đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, để tạo lập cuộc sống mới, người Đan Lai nơi đây cần thời gian để thay đổi.

Phải bắt đầu từ cơ sở hạ tầng

Đan Lai là dân tộc ít người, sinh sống chủ yếu ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (thượng nguồn sông Giăng, huyện Con Cuông, Nghệ An). Theo lời kể truyền lại, trong cuộc trốn chạy kẻ thù, người Đan Lai đã chạy đến thượng nguồn con sông Giăng và trú ngụ tại đó.

Sợ hãi kẻ thù truy đuổi và thú dữ ăn thịt khiến người Đan Lai chọn cách ngủ ngồi. Do nhiều năm sống tách biệt với bên ngoài nên đói nghèo bủa vây. Hôn nhân cận huyết thống khiến tộc người Đan Lai đứng trước nguy cơ suy giảm giống nòi.

Năm 2001 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với người Đan Lai, khi UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương di dời 36 hộ dân ra khỏi rừng sâu, đến định cư tại 2 bản Tân Sơn và Cửa Rào, thuộc xã Môn Sơn (huyện Con Cuông).

Đến năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát với mục tiêu đưa 146 hộ gia đình người Đan Lai ở hai bản Khe Búng và Cò Phạt di dời ra khỏi rừng sâu. Thực hiện Đề án, 42 hộ dân Đan Lai đầu tiên đã được đưa ra khỏi rừng, đến nơi ở mới tại bản tái định cư tại bản Thạch Sơn thuộc xã Thạch Ngàn (Con Cuông), cách chỗ ở cũ khoảng 60 km.

Hướng đi nào cho người dân Đan Lai ở Khe Nóng và Bá Hạ? (Bài Cuối) - Ảnh 1.

Bản Khe Búng hơn 10 năm về trước khi chưa thực hiện tái định cư về Thạch Sơn (Thạch Ngàn, Con Cuông, Nghệ An)

Rời khỏi rừng đến nơi ở mới, người dân được xây nhà, cấp ruộng nước, đất rừng và được trợ cấp gạo ăn trong một năm. Đến năm 2019, thêm 35 hộ người Đan Lai ở bản Cò Phạt được đưa ra tái định cư tại bản Bá Hạ, cũng thuộc xã Thạch Ngàn.

Như vậy, cơ bản kế hoạch di dời người Đan Lai ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát về nơi tái định cư đã được thực hiện. Riêng đối với 50 hộ dân ở Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), đến nay cũng đã bước đầu triển khai được việc tái định cư tại chỗ.

Ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê - cho biết: 50 hộ dân người Đan Lai ở Khe Nóng lâu nay được xem là ở nhờ trên đất của Lâm trường. Sau nhiều lần đề xuất, phía Lâm trường đã cắt 70 ha cho người dân sinh sống và canh tác. Người dân vẫn thiếu đất để sản xuất, vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước là chính. 

Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho biết thêm, Quyết định phê duyệt về làng tái định canh định cư với cụm dân dư Khe Nóng đã có từ năm 2009 nhưng đến năm 2021 mới triển khai được đoạn đường bê tông. Trong khi đó, dự án đưa điện lưới về với dân bản đến nay vẫn còn dang dở.

Xây dựng cuộc sống mới cho người Đan Lai ở những nơi 100% hộ nghèo (Bài Cuối) - Ảnh 2.

Cuộc sống hiện tại của người dân ở Khe Nóng (Châu Khê, Con Cuông, Nghệ An) vẫn còn bộn bề khó khăn

Chưa biết bao giờ mới thoát nghèo

Bản Khe Nóng (xã Châu Khê) chỉ có 50 hộ dân người Đan Lai, chưa đủ để thành lập bản, phải sáp nhập với bản Châu Sơn ở tận trung tâm xã (từ Trung tâm xã đến Khe Nóng là 30km đường rừng). Vì vậy, nơi đây chỉ được gọi là cụm dân cư và chỉ có chức danh Phó cụm dân cư.

Anh Lê Văn Thoại - Phó cụm dân cư Khe Nóng - cho biết: Cụm có 50 hộ với 210 nhân khẩu, 100% là hộ nghèo. Hầu hết các gia đình ở Khe Nóng đều sống trong những mái tranh, vách nứa trống huơ, trống hoác. Cả cụm chỉ có một ngôi nhà được xây dựng kiên cố, đó chính là điểm trường tiểu học nhưng lại bỏ hoang từ gần 1 năm nay. Lý do là thực hiện chính sách xóa điểm trưởng lẻ, toàn bộ học sinh phải ra trường ở trung tâm xã học.

Trong những bản của người Đan Lai ở miền Tây xứ Nghệ này, có lẽ Khe Nóng đứng đầu bảng về nghèo đói. Chủ tịch UBND xã Châu Khê Kha Văn Thương phải thốt lên: "Khe Nóng cái gì cũng nhất: nghèo nhất, khổ nhất, xa xôi nhất. Điện, đường trường, trạm, Khe Nóng chẳng có gì cả. Học sinh đến tuổi biết đi làm là bỏ học giữa chừng. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân Khe Nóng ở mức bình thường ở miền núi là rất khó".

Khe Nóng mới tái định cư tại chỗ, hạ tầng gần như không có gì nên tỷ lệ 100% hộ nghèo là điều dễ hiểu. Thế nhưng những bản tái định cư khác của người Đan Lai dù đã ổn định cuộc sống nhiều năm, tỷ lệ hộ nghèo vẫn sát ngưỡng 100%. 

Xây dựng cuộc sống mới cho người Đan Lai ở những nơi 100% hộ nghèo (Bài Cuối) - Ảnh 3.

Cuộc sống của người Đan Lai tại bản Khe Búng trước đây dựa hoàn toàn vào thiên nhiên

Bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn) là bản tái định cư của người Đan Lai từ năm 2007. Sau 16 năm về nơi ở mới với hạ tầng đầy đủ, từ 42 hộ ban đầu nay đã tăng lên là 55 hộ. Thế nhưng cái nghèo, đói vẫn cứ đeo bám. Trong 55 hộ thì 54 hộ diện nghèo, 1 hộ còn lại là cận nghèo.

Tại bản Bá Hạ (một bản tái định cư khác của người Đan Lai vào năm 2019 cũng thuộc xã Thạch Ngàn), mỗi hộ dân khi về đây đều được làm nhà kiên cố và có vườn rộng khoảng 700m. Ngoài ra, mỗi hộ cũng được giao bảo vệ 2ha rừng và một ít ruộng nước. Khác với những mái nhà tranh, vách nứa trước đây, các hộ dân đều được sống trong những ngôi nhà xây khang trang. Điều kiện sống ở đây rất tốt, khác xa với bản cũ trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát trước đây nhưng sau 4 năm tái định cư, cả 35 hộ dân nơi đây đều 100% là hộ nghèo.

Theo anh La Văn Luông (tên khác là Điệp) - Phó Trưởng bản Bá Hạ, Cụm trưởng ở khu tái định cư, khó khăn nhất hiện nay là người dân thiếu đất canh tác. Theo đó, mỗi hộ ngoài diện tích vườn nhà, ít ruộng, họ được giao 2ha đất rừng nhưng đây là rừng khoanh nuôi. Nhiều năm qua người dân cũng chưa nhận được tiền bảo vệ. "Mong muốn của người dân là được chuyển 2ha rừng khoanh nuôi thành rừng sản xuất. Nếu điều đó thành hiện thực sẽ là đòn bẩy giúp người dân có sinh kế để vươn lên trong cuộc sống. Do đất canh tác ít nên người dân vẫn chủ yếu đi làm thuê, làm mướn, cuộc sống rất bấp bênh", anh Luông chia sẻ.

Từ một góc nhìn khác, ông Lô Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn thẳng thắn nói rằng, tâm lý trông chờ ỷ lại vẫn còn hiện hữu. "Các anh đến Bá Hạ có thể thấy, vườn rộng, đất đai màu mỡ nhưng bỏ hoang, người dân vẫn đi mua rau về ăn. Để người dân thay đổi, không thể trong ngày một ngày hai mà phải mất rất nhiều năm", ông Huấn nhận định.

Xây dựng cuộc sống mới cho người Đan Lai ở những nơi 100% hộ nghèo (Bài Cuối) - Ảnh 4.

Người Đan Lai ở bản Cò Phạt (vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát) được đưa ra tái định cư tại bản Bá Hạ với những ngôi xây nhà bê tông kiên cố.

Kiên trì đồng hành, hỗ trợ cùng với phát huy nội lực của đồng bào 

Tuy còn bộn bề khó khăn đối với đồng bào Đan Lai sau khi tái định cư nhưng đã có những dấu hiệu tích cực trong hướng đi. Người Đan Lai tại bản Cửa Rào, xã Môn Sơn hay bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn giờ đã thành thạo trồng lúa, trồng ngô, trồng keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đã có hộ khá lên nhờ biết buôn bán hay đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Để có được những chuyển biến trong cuộc sống của người Đan Lai từ dựa vào tự nhiên nơi rừng sâu đến chủ động tạo ra  lương thực, thực phẩm là cả một quá trình kiên trì, đồng hành hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Ông Lô Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn - cho biết, để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, ngay khi đón các hộ dân Đan Lai ở bản Búng và bản Cò Phạt nơi thượng nguồn Khe Khặng về nơi ở mới, Đảng ủy xã Thạch Ngàn đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác, phân công cán bộ đoàn thể, đảng viên bám cơ sở, giúp đỡ các hộ dân Đan Lai ổn định cuộc sống. 

Bên cạnh đó, xã còn lập tổ chỉ đạo sản xuất do Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng. Tổ này trực tiếp hướng dẫn bà con, tập huấn kỹ thuật, phát giống cho bà con trồng ngô, trồng lúa, trồng rau và các loại cây ăn quả tại vườn. "Không còn là cầm tay chỉ việc mà chúng tôi xuống làm luôn cho người dân để họ nhìn và làm theo. Khi gieo ngô, cán bộ gieo một hàng, người dân gieo hàng bên cạnh", ông Huấn chia sẻ.

Theo ông Huấn, điều mừng nhất là hiện người dân Đan lai ở bản mới đã 100% ở trong nhà kiên cố, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. 

Dù Bá Hạ vẫn đối diện với nhiều khó khăn khi mà 100% số hộ dân ở đây vẫn thuộc diện hộ nghèo nhưng Chủ tịch xã Thạch Ngàn vẫn tin rằng cuộc sống mới đang đến với người Đan Lai ở Bá Hạ. "Cần có thời gian để người dân thay đổi thói quen và thích nghi với cuộc sống mới. Trước đây, khi mới đến định cư ở bản Thạch Sơn, tình trạng cũng tương tự nhưng người dân nơi đây giờ đã ổn định, tôi tin Bá Hạ cũng sẽ tốt lên như Thạch Sơn", ông Huấn nói.

Xây dựng cuộc sống mới cho người Đan Lai ở những nơi 100% hộ nghèo (Bài Cuối) - Ảnh 5.

Bà Hoa (bản Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) là một trong 18 gia đình được nhận nhà từ Bộ Công an trong tháng 6/2023.

Với Khe Nóng của xã Châu Khê, nơi được xem là "rốn" nghèo khó của người Đan Lai cũng đã xuất hiện những tín hiệu khá vui. Những năm gần đây, người dân ở Khe Nóng đã biết đi ra ngoài làm thuê, làm mướn, có người còn đi làm công nhân, tức là họ đã bước ra khỏi lảng bản, hội nhập cùng xã hội. Theo ông Kha Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Châu Khê, nhận thức của người dân hiện cũng đã được nâng lên. Tuy nhiên, vị Chủ tịch UBND xã Châu Khê cũng thẳng thắn: "Để thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây còn rất dài, rất nan giải và chưa biết đến bao giờ người dân Khe Nóng mới hết nghèo".

Những ngày cuối tháng 6, khi chúng tôi đến Khe Nóng cũng là lúc Bộ Công an đang làm thủ tục trao tặng 18 căn nhà tình nghĩa cho các hộ dân đặc biệt khó khăn. Được biết sắp tới, cũng sẽ có thêm nhiều nhà tình nghĩa được trao tặng, nhiều gia đình khác ở Khe Nóng đang mong chờ "vận may" sẽ đến với mình.

Như vậy, thời gian tới nhiều hộ dân sẽ có được chỗ an cư nhưng về sinh kế lâu dài và ổn định để giúp người dân cải thiện cuộc sống, hết đói, giảm và tiến tới thoát nghèo vẫn còn nhiều gian nan. Để giải bài toán nghèo đói này, ngoài sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước thì điều quan trọng là sự thay đổi suy nghĩ, từ bỏ sự trông chờ, ỷ lại trong mỗi người dân để tự tin bước ra, đi cùng sự phát triển của đất nước.

Tộc Đan Lai chủ yếu là dòng họ La. Theo như lời kể của các già làng thì dòng họ này vốn dĩ chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An). Cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi. Họ chạy mãi, mãi mãi đến thượng nguồn con sông Giăng thuộc huyện Con Cuông, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - một bộ tộc mới ra đời từ đây.

Tộc Đan Lai có tục ngủ ngồi rất khác biệt với các tộc người thiểu số khác. Tập tục này gắn liền với tai họa mà tổ tiên của họ đã phải gánh chịu. Ngủ ngồi là để cảnh giác với thú dữ và bọn quan quân truy đuổi (có thể vùng dậy chạy vào rừng sâu ngay nếu như quan quân đuổi đến).

Họ thường ngồi đưa hai bàn tay nắm lại đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm ngàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi, hoặc hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán. Ngay cả trong các hoạt động sinh hoạt khác như sinh đẻ cũng "ngồi".


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn