Sáng nay (17/12), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: ''Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa''.
Phát biểu đề dẫn, gợi ý nội dung thảo luận Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Hội thảo quốc gia về "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá" của Quốc hội năm 2022 là sự kiện chính trị - văn hoá - khoa học rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hoá, thực tiễn hoá và thể chế hoá việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa 2022 tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn 5 nhóm vấn đề:
(1) Bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và phát triển văn hoá.
(2) Đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hoá phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương.
(3) Chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá.
(4) Chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá phát triển.
(5) Xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.
Đây cũng là dịp để thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm huy động, khơi thông và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nền văn hoá, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tham luận "Giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá trong xây dựng nông thôn mới - thêm một góc nhìn về một nông thôn đáng sống", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: Qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu "to lớn, toàn diện và có tính lịch sử". Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần.
Nhưng nhìn nơi này nơi kia, hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức. Nhiều nơi hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn "đồng phục hoá", lạc lõng với khung cảnh làng quê. Trước sự "sao chép" thiếu chọn lọc, đường hoá phố, phố trong làng, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nông thôn là nơi cân bằng cảm xúc. Nông thôn là nơi con người sống hài hoà với nhau, hài hoà với môi trường thiên nhiên. Khi con người mưu cầu cuộc sống vật chất tốt hơn, thì không tránh khỏi xung đột về lợi ích, tính cố kết cộng đồng dần mất đi. Khi ấy,"đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm", sự so đo, đố kỵ làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm.
Nông thôn còn là không gian văn hoá. Người làng kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng. "Lệ làng", những quy tắc ứng xử, không phải để vượt lên "Phép nước", mà giúp cho pháp luật được tiếp nhận một cách tự nguyện. Về mặt nào đó, "lệ làng" cũng là văn hoá đặc sắc ở nông thôn.
Nông thôn cần được xem là tài nguyên phát triển. Xây dựng nông thôn mới hướng đến hai mục tiêu chính. Thứ nhất, để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại. Thứ hai, để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Làng quê giàu bản sắc, đậm chất văn hoá, sẽ là sức hút khách phương xa tìm đến khám phát những nét tinh hoa.
Nông thôn cần được xem là một di sản. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hoá tạo ra giá trị tâm thức. Nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh dân gian, nếu biết phát huy, sẽ tạo ra dòng chảy tâm thức trong cư dân nông thôn. Lễ hội tịch điền, thờ phụng Thần nông, các vị Thần hoàng làng, tưởng nhớ tổ làng nghề,… là những nét văn hoá đậm chất nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử, giúp con người sống tử tế hơn, an bình hơn, văn minh hơn.
Theo đó, ông Lê Minh Hoan đề xuất: Cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về "Gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".
Đồng thời cần có những chương trình giảng dạy văn hoá nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, chú trọng nhóm đối tượng học sinh là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy văn hoá dân tộc liên tục. Chúng ta đang đối mặt với những hiện tượng báo động trong xã hội gần đây như: bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xung đột đường phố.
Cùng với đó, cần xây dựng những tiêu chí về văn hoá nông thôn có thể đo lường được. Cần trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn