Chủ trì Hội thảo có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
Hội thảo là dịp để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các cơ quan ở Trung ương, địa phương nhận định, soi chiếu về lý luận, thực tiễn sinh động, những khía cạnh về địa vị chính trị, địa vị pháp lý, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Nghị quyết 20-NQ/TW "về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa X đã nêu: "Xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và của toàn xã hội".
Ông Nguyễn Đình Khang cho rằng đây cũng là dịp để đánh giá kết quả thực hiện những chủ trương, định hướng, giải pháp lớn về lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động; đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề chuyên môn, kỹ thuật; vấn đề tác phong, kỷ luật lao động, nâng cao năng suất lao động; hay vấn đề trí thức hóa công nhân… Từ đó, một số giải pháp cơ bản sẽ được khơi gợi, hình thành, nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - nhấn mạnh: Trong tư duy lý luận của Đảng, giai cấp công nhân hiện đại vừa là sản phẩm, vừa là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp hiện đại gắn với những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất, lao động có năng suất, chất lượng cao, có khả năng hội nhập quốc tế, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, hệ tư tưởng khoa học, được tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại chính là khâu chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển.
Cùng với đó, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đặt ra một số vấn đề quan trọng như: cần phải tích cực đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về sự suy giảm vai trò của giai cấp công nhân; nghiên cứu hoàn thiện các vấn đề lý luận về giai cấp công nhân, về vai trò sứ mệnh lịch sử mới của giai cấp công nhân.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo
Hội thảo có 2 phiên, gồm: Cơ sở lý luận, pháp lý về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; thực trạng, những vấn đề đặt ra và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. Ban tổ chức đã nhận được 22 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài hệ thống công đoàn, trên cơ sở đó, hình thành một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước về một số chủ trương, chính sách mang tính căn bản, có tính cách mạng, đột phá, nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho lực lượng lao động, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thực sự hiện đại, lớn mạnh, để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kết luận hội thảo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - cho rằng: Vấn đề về xây dựng giai cấp công nhân hiện nay phải giải quyết hài hòa cả lý luận và thực tiễn. Do đó, cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu hệ thống lý luận về công nhân, công đoàn; Xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, mang tính chất của kỷ nguyên mới, hiện đại về tư tưởng, tư duy, về phong cách lao động, về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, thật sự trở thành trụ cột trong liên minh; lực lượng nòng cốt trong xây dựng đất nước; Làm rõ hơn nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua các tổ chức công đoàn để phát triển giai cấp công nhân toàn diện cả phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp.
Để xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn cần phải đặt trong mối tương quan với mục tiêu phát triển đất nước, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn