Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam là nền tảng vững chắc để xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người trong tình hình mới hướng đến mục tiêu xây dựng quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.
Tại Hội thảo quốc gia: "80 năm Đề cương về văn hóa - Khởi nguồn và động lực phát triển" vừa được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, một số nghiên cứu đã chỉ ra bối cảnh, thực trạng và tính cấp thiết phải xây dựng, phát triển hệ gia đình và công tác xây dựng gia đình trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững đất nước.
Đó là trong vài thập niên qua, bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và thế giới có tốc độ chuyển đổi nhanh khiến gia đình Việt Nam đứng trước những thách thức và thay đổi chưa từng có như: Việc chung sống không kết hôn, hôn nhân xuyên biên giới, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, quan hệ đồng giới, gia đình đa văn hóa xuất hiện nhiều hơn... Sự phân hóa của gia đình Việt Nam không chỉ diễn ra trên điều kiện kinh tế, mức sống, chi tiêu mà còn ở cả hệ giá trị, chuẩn mực, lối sống, thành các nhóm, các tầng lớp với những năng lực, nhu cầu khác nhau.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mang đến nhiều điều kiện thuận lợi để các gia đình Việt Nam tiếp cận tài chính, kiến thức, giá trị, chuẩn mực ứng xử, kỹ năng tổ chức đời sống đa dạng, phong phú. Các dịch vụ xã hội phát triển giúp ích cho gia đình thực thi các chức năng, vai trò đối với các thành viên và xã hội, thậm chí còn mang tính thay thế. Thế nhưng ở chiều ngược lại, việc thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình lại trở nên hết sức khó khăn, mong manh và có những thay đổi theo hướng tiêu cực. Trong khi đó, những vấn đề mới nảy sinh lại chưa được quan tâm đúng mức và có chính sách phù hợp.
Mặt khác, sự khủng hoảng chức năng, giá trị của gia đình có mối quan hệ nhân quả với những vấn đề xã hội. Giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được duy trì, rèn giũa, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo là nhân tố dẫn đến những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm pháp luật cả chính bên trong gia đình và ngoài xã hội. Những vấn đề này nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến những hệ lụy xã hội khôn lường, nhất là sự đứt gãy về mặt giá trị, đạo đức và văn hóa truyền thống. Gia đình không thực hiện tốt các chức năng của mình sẽ khiến xã hội mất ổn định, làm mất đi động lực phát triển của đất nước.
Từ đó cho thấy việc đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững với những giá trị như: Giáo dục, đạo đức, ứng xử văn hóa gia đình, tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để giúp con người vượt qua những trở ngại, những thăng trầm của cuộc sống, là một thành tố bảo đảm cho sự gắn kết xã hội, bảo đảm cho dòng chảy phát triển bền vững của đất nước trước những thách thức, rủi ro và cũng là yếu tố đầu vào quan trọng để triển khai chính sách, thụ hưởng chính sách.
Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã có Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Theo đó xác định: Xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam là nền tảng vững chắc để xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người trong tình hình mới, là động lực, là mục tiêu để xây dựng quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.
Trong suốt 8 thập kỷ qua, kể từ khi xây dựng nền móng - Đề cương Văn hóa Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng nhân tố con người và đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Đặc biệt gần đây, năm 2014, BCH TƯ Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết số 33-NQ/TW về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Đây là là sự tiếp nối quan trọng của Đề cương văn hóa Việt Nam và nâng lên tầm cao mới về tư tưởng của Đảng đối với sự nghiệp lãnh đạo phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Có thể thấy, một trong những mục tiêu chung của Đảng là: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đồng thời Đảng cũng nêu rõ quan điểm: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực".
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra những thành tố căn bản của hệ giá trị con người. Đó là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Từ những phân tích trên cho thấy việc xây dựng gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường và đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng, đưa nước ta hội nhập và giữ vững vị thế trên trường quốc tế.
Vì vậy, việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng giá trị gia đình Việt Nam để xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới hiện nay là rất cần thiết, cấp bách. Đồng thời, về mặt chính sách, việc triển khai nhiều mô hình, đề án, chương trình nhằm xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh phát triển mới của đất nước là một vấn đề hết sức hệ trọng.
Cùng với đó, việc tiếp tục tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam, với tư cách là một trụ cột của sự phát triển, là trung tâm của sự phát triển, là sức mạnh mềm văn hóa trong cấu trúc sức mạnh tổng thể quốc gia, không còn là giải pháp riêng của ngành Văn hóa mà cần là giải pháp tổng thể của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội. Trong đó, việc đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các giải pháp đồng bộ có khả năng khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa, xây dựng toàn diện con người Việt Nam theo hướng bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn