Đó là thông tin được đưa ra trong kết luận của Hội đồng xem xét phần mềm IBM Waston for Oncology ứng dụng trong tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư tại Việt Nam của Bộ Y tế công bố tại hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội sáng 26/4.
Nền tảng trí tuệ nhân tạo của IBM Watson for Oncology (WFO) hiện nay đang được Bộ Y tế dùng thử nghiệm và dự kiến sẽ ứng dụng phổ biến hơn trong thời gian tới. Đây là phần mềm điện toán biết nhận thức hỗ trợ điều trị bệnh ung thư dựa trên bằng chứng được đào tạo bởi các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) của Mỹ trong 5 năm. Cùng với cơ sở dữ liệu khổng lồ được bổ sung thường xuyên, những gợi ý điều trị mà hệ thống này đưa ra đạt được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia ung thư, đặc biệt là ung thư vú (90%).
Watson for Oncology dựa trên nền tảng Bigdata, cụ thể là dựa trên 1.500.000 hồ sơ bệnh án. Đây được đánh giá là một kho dữ liệu quý, với tần suất cập nhật dữ liệu của hệ thống theo thời gian 1 tháng/lần. Điều này sẽ giúp cho việc chẩn đoán của WFO chính xác, khách quan, kịp thời và không lạc hậu.
Hiện nay, Watson for Oncology cung cấp rất nhiều chứng cứ y khoa cho bác sĩ lựa chọn. Những chứng cứ này được rút ra từ hơn 300 tạp chí y khoa, hơn 200 sách giáo khoa, và gần 15 triệu trang bản thảo nhằm cung cấp cho các bác sĩ cái nhìn sâu sắc hơn về phác đồ điều trị khác nhau.
Tuy nhiên, hạn chế của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology vào Việt Nam là hiện nay phần mềm này chỉ có tiếng Anh, không có tiếng Việt, trong khi trình độ tiếng Anh của bác sĩ Việt Nam ở một số bệnh viện chưa tốt đã gây ra những khó khăn nhất định.
Về vấn đề này, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho rằng, trí tuệ nhân tạo cũng như các ứng dụng công nghệ mới luôn cần thời gian để hoàn thiện hơn và đi vào thực tế.
“Bộ Y tế luôn quan tâm, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng trong các chuyên khoa, chuyên ngành y học và trong công tác quản lý ngành y tế. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch, bố trí các nguồn lực để chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy trí tuệ nhân tạo phát triển ở Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”, ông Tường cho biết.
Theo ông Tường, để ứng dụng AI thành công, Bộ Y tế đã xác định 3 mục tiêu cụ thể là xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt chương trình sức khỏe Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh và sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng hiện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính.
Cũng tại buổi hội thảo, đại diện hai bệnh viện hàng đầu về điệu trị ung thư tại Việt Nam là Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư, giúp người bệnh được hưởng nhiều lợi ích hơn trong quá trình điều trị và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.