Anh Dương Đức Cường (28 tuổi, trú tại xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) đang làm việc tại bộ phận kỹ thuật của Công ty TNHH Goertek Vina (Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh). Cách đây không lâu, gia đình anh vừa chào đón thành viên mới.
Do vợ sinh mổ nên thời điểm đó, theo quy định, anh Cường được công ty cho nghỉ 7 ngày. Vì gia đình neo người nên toàn bộ thời gian nghỉ, anh Cường phải túc trực chăm sóc vợ sau sinh tại bệnh viện.
Hết thời gian nghỉ phép, anh Cường buộc phải nhờ cậy việc chăm sóc vợ từ người thân để trở lại công ty làm việc dù sức khỏe vợ anh sau sinh vẫn chưa bình phục. Anh Cường cho rằng, thời gian người chồng được nghỉ khi vợ sinh nở theo quy định hiện tại là quá ít.
"Nếu thời gian nghỉ thai sản của người chồng tăng lên, họ sẽ có nhiều thời gian hơn để chăm sóc vợ và con mới chào đời. Đây cũng là quãng thời gian giúp người chồng hiểu rõ hơn những vất vả của vợ khi sinh con, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình và tăng cường gắn kết tình cảm giữa các thành viên. Thời gian người chồng được nghỉ dài hơn cũng sẽ giúp sản phụ có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe", anh Cường cho biết.
Tăng thời gian nghỉ thai sản cho chồng cũng là mong muốn của nhiều phụ nữ sau khi sinh. Chị Dương Thị Ngọc Ánh (31 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, khi vợ sinh con, do sức khỏe còn yếu nên người chồng vừa phải chăm sóc cả vợ và con.
Nhiều gia đình neo người, lại không có điều kiện thuê người giúp việc nên vợ chỉ có thể dựa vào chồng trong giai đoạn con nhỏ. "Theo tôi, việc tăng thời gian nghỉ của người chồng là mong muốn của cả lao động nam và nữ", chị Ánh nói.
Theo ông Nguyễn Thái Dương, Phó chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, hiện nay, có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ điều kiện kinh tế còn khó khăn, phải thuê nhà, khi sinh con không có điều kiện thuê người giúp việc nên vai trò hỗ trợ của người chồng rất quan trọng.
Tuy nhiên, quy định người chồng chỉ được nghỉ tối đa 14 ngày lúc vợ sinh con là quá ít. Do vậy, ông Dương đề nghị, Luật BHXH sửa đổi cần tính toán tăng thời gian nghỉ của nam giới khi vợ sinh con để người chồng có thêm thời gian chăm sóc vợ con, phù hợp với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, cho rằng, việc người bố nghỉ phép chăm con là chuyện tích cực đối với gia đình của chính họ. Ông Cử dẫn một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, việc nghỉ phép dài ngày hơn có liên quan đến việc tăng cường gắn kết, dẫn đến cải thiện sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ em.
Khi các ông bố nghỉ phép, sẽ giúp các bà mẹ sớm trở lại với công việc hơn. Điều đó thúc đẩy tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cũng như tiền lương của họ. Nhiều gia đình công nhân viên chức không có người thân giúp đỡ, điều kiện kinh tế khó khăn, khi vợ sinh nở chỉ biết dựa vào chồng trong giai đoạn con còn ít tháng.
Nếu người chồng phải nghỉ phép để chăm vợ hoặc vừa đi làm vừa tranh thủ chăm vợ, con khá vất vả. "Tôi ủng hộ đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới từ 5 - 14 ngày làm việc lên 1 tháng. Đây là mức tăng không quá lớn nên cơ quan quản lý có thể nghiên cứu điều chỉnh. Việt Nam không thể so sánh với Phần Lan khi cho nam giới nghỉ thai sản đến 6 tháng nhưng hoàn toàn có thể nghiên cứu nghỉ 1 tháng", GS Nguyễn Đình Cử nêu quan điểm.
Góp ý vào nội dung này trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề nghị quy định về chế độ nghỉ thai sản của nam giới cần tăng lên về thời gian và thiết kế linh hoạt hơn với việc được nghỉ nhiều lần trong vòng 6 tháng kể từ ngày vợ sinh con.
Điều đó góp phần đảm bảo lợi ích tốt hơn cho trẻ em, chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình của nam giới và giúp phụ nữ sau sinh có cơ hội tham gia tích cực hơn vào thị trường lao động...
Đến hết năm 2023, trong số hơn 18,2 triệu người tham gia thì có 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Mặc dù tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện trong những năm gần đây liên tục tăng nhưng thực tế cho thấy, số lượng người tham gia BHXH vẫn quá ít so với quy mô lao động (chiếm khoảng 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi).
Một trong những nguyên nhân chính khiến BHXH tự nguyện thiếu hấp dẫn là người tham gia BHXH tự nguyện hiện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đề xuất quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho 1 con.
Nâng thời gian nghỉ thai sản cho nam giới tham gia BHXH lên 1 - 3 tháng là phù hợp và có thể đặt ra lộ trình tăng dần dần. Trước mắt, nam giới có thể được nghỉ 1 tháng nhưng sau 3-5 năm nữa sẽ tăng lên 2 tháng rồi 3 tháng khi tài chính cân đối được. Tôi cho rằng, đây là điều mà người lao động rất mong chờ và điều đó cũng giúp nam giới có trách nhiệm hơn với gia đình, tác động tích cực tới an sinh, phát triển chung của xã hội”.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), việc đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc bổ sung chế độ này được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng giảm sinh.
Góp ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, chúng ta cần hướng tới một hệ thống thai sản phổ cập tại Việt Nam.
Tuy nhiên, mức trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện được xác định trong dự thảo Luật đang còn thấp, chưa thực sự hỗ trợ cho phụ nữ bảo vệ thai sản. Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần (ba tháng rưỡi) thì mức trợ cấp 2 triệu đồng như dự thảo Luật đưa ra chỉ tương đương khoảng 145.000 đồng/tuần, tức là khoảng 600.000 đồng/tháng, mới bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng.
Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam đề xuất lấy chuẩn nghèo thu nhập nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng để tính mức trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện trong 12 - 14 tuần, tương đương khoảng 4,5 - 5 triệu đồng/lần trợ cấp. Trong trường hợp chưa nâng được ngay mức trợ cấp, cần quy định lộ trình đạt được mức trợ cấp này trong dự thảo Luật.
Cùng với đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng đề nghị dự thảo Luật khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện nhằm hỗ trợ tốt hơn cho lao động nữ sinh con, chăm con sau sinh.
Bài sau: Giải pháp giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn