Chiều 15/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024, tại TPHCM, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phiên thảo luận chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí".
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo đã chia sẻ những góc nhìn về thực trạng môi trường văn hóa báo chí hiện nay. Từ đó, các đại biểu mổ xẻ, phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự "suy thoái", thậm chí "xuống cấp" về văn hóa của một số cơ quan báo chí, một bộ phận người làm báo; đưa ra những giải pháp, phương cách phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nhận định: Thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp là nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố với tội danh "Cưỡng đoạt tài sản". Trong năm 2023, vẫn còn không ít hiện tượng nhà báo bất chấp những quy định về đạo đức nghề nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy để đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu view, vẫn còn hiện tượng nhiều nhà báo viết sai mà không xin lỗi, không đính chính…
Vậy nên, việc "xây dựng môi trường báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa" trở thành yêu cầu không thể thiếu và hết sức cấp thiết đối với hết thảy các cơ quan báo chí Việt Nam. "Để báo chí Việt Nam thực sự "hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn" thì việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí phải là vấn đề sống còn của cơ quan báo chí", ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật - lý giải tại sao phải xây dựng văn hóa trong môi trường báo chí. Có nhiều nguyên nhân nhưng gốc rễ của vấn đề là báo chí hiện nay đã thay đổi theo những thay đổi của xã hội, thời cuộc. Bản thân của sản phẩm báo chí đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Vì thế, việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí rất cần để tương ứng với thị trường, thời cuộc, nhằm phù hợp với thời cuộc và đáp ứng được các nhu cầu thông tin của bạn đọc.
Từ các thực trạng được nêu ra, các đại biểu, khách mời tham dự đã đề xuất giải pháp, cách làm để đưa phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí" thực sự đi vào chiều sâu, có hiệu quả, trở thành nhiệm vụ quan trọng các cơ quan báo chí phải thực hiện. Mục tiêu hướng đến là xây dựng nền tảng văn hóa trong các cơ quan báo chí và người làm báo, để mỗi tòa soạn thực sự là một địa chỉ văn hóa, mỗi nhà báo là một sứ giả của văn hóa.
Nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng: "Trong tất cả các biện pháp mà chúng ta thực hiện, cần quan tâm nhất là sự gương mẫu của người đúng đầu trong cơ quan, nếu không gương mẫu, chuẩn mực, chỉ nói suông càng phản tác dụng, mọi nỗ lực đều sẽ thất bại".
Tiếp sau sự gương mẫu của người đứng đầu là ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của các hội viên, nhà báo. "Các hội viên, nhà báo nhận thức rõ nhiệm vụ của mình phải tận tụy, trách nhiệm với công việc, không quấy rối, sách nhiễu, vòi vĩnh để trục lợi cho cá nhân. Phải luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức của người làm báo. Thực hiện nghiêm túc Luật Báo chí 2016; 10 điều quy định đạo đức Người làm báo; Bộ Quy tắc dùng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Ngoài ra, các hội viên, nhà báo phải thường xuyên học tập nâng cao kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ" - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa Đoàn Minh Long chia sẻ.
Tương tự, nhà báo Phan Thanh Phong - Trưởng ban Nhân Dân hằng tháng, Báo Nhân Dân - thắng thắn chỉ ra rằng: "Hiện nay, một số đội ngũ người viết báo lại phải kiêm nhiệm công việc làm kinh tế, mang lại doanh thu cho cơ quan, điều này làm cho người ta có áp lực. Nhiều người từ chối và xin chuyển cơ quan nhưng có những người không thể chuyển cơ quan, họ phải trụ lại bằng cách nào? Họ phải đánh đổi ngòi bút, tác phẩm báo chí để mang về nguồn lợi kinh tế cho tòa soạn và bản thân. Tôi cho rằng, giải pháp căn bản vẫn là người đứng đầu cơ quan báo chí đó. Người đứng đầu phải năng động, sáng tạo tìm hướng đi phù hợp đảm bảo đời sống cho anh em làm báo. Phía cơ quan quản lý báo chí phải tạo cơ chế để người làm báo sống được bằng việc làm báo của mình. Bản thân người làm báo phải bồi đắp, trang bị những phẩm chất, đạo đức, văn hóa của người làm báo, giống như được tiêm vaccine thì sẽ có kháng thể để vượt qua những khó khăn".
Cùng bàn về những giải pháp trong thời gian tới, nhà báo Phạm Văn Báu - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa - cho biết: Để xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, muốn làm được việc này báo chí cũng cần thúc đẩy đưa văn hóa vào trong tác phẩm báo chí. Cố gắng mang hàm lượng văn hóa, hàm lượng văn học nghệ thuật vào trong tác phẩm báo chí của mình. Trong xu hướng đọc nhanh, đọc vội, càng cần có những tác phẩm báo chí chất lượng, chuyên sâu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn