Theo Văn phòng Quốc hội, tại phiên họp họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, việc xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu). Trong đó, tập trung chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nội dung trọng tâm của Chương trình tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế xã hội nông thôn, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, trong đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông thôn; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn…; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
Qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã (62,4%) đã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành vượt mức 12,4% so với chỉ tiêu đã đề ra;
Hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trước 2 năm;
12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm: Trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 có đối tượng, địa bàn cụ thể.
Tuy nhiên, đối với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì triển khai là ở nơi nào có địa bàn nông thôn phải làm mới lên, không phân biệt nơi thuận lợi, khó khăn hay đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững là nơi nào có hộ nghèo, đối tượng nghèo đều phải triển khai giảm nghèo, chứ không phải chỉ thực hiện ở các xã bãi ngang, ven biển.
Để thực hiện tốt cả 3 chương trình Mục tiêu quốc gia nói trên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần huy động tổng lực nguồn vốn của Trung ương, địa phương và huy động từ xã hội. Về nội dung chương trình, phải tận dụng tối đa các nguyên tắc, quan điểm đã có từ trước đây. Theo đó, xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng và nông dân là chủ thể. Mặt khác, đề nghị tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản mà đã có chương trình. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT nên trình với Chính phủ, Quốc hội một chương trình phát triển hợp tác xã.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nếu điều chỉnh lại phạm vi, đối tượng thì chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Qua các ý kiến thảo luận, đa số ý kiến tán thành với việc tiếp tục chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới sao cho phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về việc cùng lúc thực hiện 3 chương trình Mục tiêu quốc gia nên có thể trùng lắp, chồng chéo nhau. Về vấn đề này, theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội là cần có sự tích hợp các mục tiêu, đối tượng, địa bàn nhằm tránh sự chia cắt không hợp lý.
Về nguồn vốn thực hiện chương trình, cần có sự huy động tổng hợp các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và từ xã hội. Ngoài ra, nên có một ban chỉ đạo quốc gia chung để triển khai 3 chương trình Mục tiêu quốc gia.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ở cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn