Xây dựng nông thôn mới: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn với kinh tế tuần hoàn

14:04 | 17/11/2022;
Mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn tại hộ gia đình, cộng đồng hoặc kết hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn cùng chất thải rắn nông nghiệp tại hộ gia đình đang được nghiên cứu thực hiện tại nhiều địa phương. Mô hình này đã và đang tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường gắn với kinh tế tuần hoàn trong xây dựng nông thôn mới.

Thực trạng về chất thải rắn sinh hoạt nông thôn

Chất thải rắn là loại rác thải ít có khả năng tái sử dụng, với hệ thống thu gom chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh, phân tán như hiện nay, chất thải rắn ngày càng là vấn đề nguy hại và cấp thiết. Nguồn phát sinh chất thải rắn lại xuất phát từ các khu dân cư, chợ, trường học, công trình công cộng và từ các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, chuồng trại chăn nuôi và từ khu vực đô thị…

Xây dựng nông thôn mới: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn với kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Hội viên phụ nữ quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng rất tích cực trong công tác phân loại rác để bảo vệ môi trường

Theo chuyên gia môi trường Nguyễn Thị Hà - Giảng viên Khoa Môi trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chất thải rắn sinh hoạt năm 2015 đã tăng gấp 1,6 lần so với 2010; năm 2020 tăng gấp 2,37 lần. Dự báo năm 2025 sẽ tăng 3,2 lần, bình quân chất thải rắn sẽ tăng 1,6 kg/người/ngày vào năm 2025.

Hiện cả nước có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhưng chủ yếu với hình thức chôn lấp (904 cơ sở). Khoảng 71% tổng khối lượng thu gom, tập trung ở các thành phố lớn. Đối với khu vực nông thôn, chất thải rắn được phân loại và xử lý tại các hộ gia đình ước tính xấp xỉ 10-12% tổng lượng rác phát sinh. Một số tỉnh có tỉ lệ chất thải rắn được phân loại tại nguồn tương đối cao là Bắc Ninh, Hưng Yên, Lào Cai, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, Cà Mau.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Thị Hà, hiện nay thực trạng thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn còn nhiều bất cập. Tại khu vực các vùng sâu, vùng xa, xã, đảo, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn gặp khó khăn. Việc phân loại chủ yếu được tiến hành tự phát tại hộ gia đình đối với một số loại chất thải để bán như giấy, bìa các tông, kim loại.

Cùng với đó là các khó khăn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Nhiều xã, đặc biệt các xã miền núi thiếu quy hoạch các bãi rác tập trung, không quy định chỗ tập trung rác. Thiếu người và phương tiện chuyên chở rác.

Việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu do các hợp tác xã, tổ đội thu gom tự quản đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân và theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Mức thu và cách thu tùy thuộc vào từng địa phương.

Bên cạnh đó, tại nhiều khu vực nông thôn do không thuận tiện về giao thông, dân cư không tập trung, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom thì hầu hết cũng để lộ thiên tập trung tại một khu vực riêng, không có các quy trình bảo vệ môi trường hợp vệ sinh (lót thành, đáy hố chôn, thu gom và xử lý nước rỉ rác, lấp đất che phủ…). Người dân tự tiêu hủy rác thải tại gia đình bằng các hình thức thủ công hoặc vứt bừa bãi ra sông suối, đổ thải tại khu vực đất trống (còn thiếu có sự quản lý của chính quyền địa phương)

Giải pháp quản lý, xử lý, tận dụng chất thải rắn sinh hoạt

Bảo vệ môi trường nông thôn đang là vấn đề "nóng" được các địa phương tập trung xử lý trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó đặt ra mục tiêu và những giải pháp chung cho vấn đề xử lý rác thải hiệu quả ở Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Hà, quản lý, xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt cần gắn liền với mô hình kinh tế tuần hoàn. Bởi vậy, các địa phương cần có biện pháp kéo dài thời gian sử dụng các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt, hạn chế phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Xây dựng nông thôn mới: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt gắn với kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.

Rác được phân loại ra từng thùng để tránh nhầm lẫn

Ở tầm vĩ mô, cần phát triển nguồn tài chính phục vụ hoạt động cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt. Tạo nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, cải thiện phương thức giao chỉ tiêu thu phí vệ sinh để tăng dần nguồn thu, giảm dần sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra cần tận dụng các nguồn kinh phí khác như tài trợ quốc tế, trong nước, xã hội hóa (PPP).

Cùng với đó là các giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xây dựng lộ trình phân loại phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải đồng bộ với quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý đã phân loại.

Chính sách phân loại tại nguồn phải có quy định cụ thể hơn về lợi ích kinh tế của chủ nguồn thải. Ban hành chính sách pháp luật quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các thành phần tham gia trong hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hoàn thiện chính sách pháp luật quy định xử phạt đối với chủ nguồn thải; nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi của chủ nguồn thải và các nhà quản lý về kinh tế tuần hoàn đối với chất thải rắn sinh hoạt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn