+ PV: Thưa đồng chí, được biết trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã có sự bứt phá cao, tạo vị trí mới trong xếp hạng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Hòa trong không khí phấn khởi của những ngày tháng 10 lịch sử, hướng tới kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020), thay mặt Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, tôi trân trọng gửi tới các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và cán bộ, hội viên Hội LHPN Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, chúc tổ chức Hội phụ nữ ngày càng lớn mạnh và phát triển bền vững.
Trong những năm qua, phát huy truyền thống quê hương anh hùng cách mạng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân, sự đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân…, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, điển hình như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 11,1%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 90 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trong cân đối tăng bình quân 16,3%/năm, năm 2019, đạt 15.631 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 27,63 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 743 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4 cả nước; đến năm 2020 có 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (với 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới); tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%; làng, xóm, tổ dân phố văn hóa đạt 78%; cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa là 90%; 97,2% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2020 giảm xuống dưới 10%; hàng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân 21.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 70%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,06%/năm... Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đứng thứ 12 toàn quốc, chỉ số cải cách hành chính (PaIndex) đứng thứ 14 toàn quốc... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Thái Nguyên đã và đang vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực trung du miền núi Bắc bộ.
Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các chính sách đối với người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn và miền núi. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt hiệu quả, đã tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn được tăng cường; đời sống người nghèo được cải thiện; phong trào thi đua "Thái Nguyên chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" được các cấp, ngành, cộng đồng và nhân dân tích cực hưởng ứng.
Các chính sách bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh trợ cấp xã hội hằng tháng khoảng 194 nghìn lượt đối tượng; năm 2020 có trên 90% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc; trẻ em ngày càng được hưởng đầy đủ hơn các quyền cơ bản của mình.
+ PV: Ngoài những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội, đồng chí có thể cho biết thêm những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị được tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện với quyết tâm cao và đồng bộ, bước đầu đạt được kết quả nhất định: Giảm 20 đầu mối đơn vị trực thuộc các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, 93 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập; 173 lãnh đạo từ cấp phòng và tương đương trở lên. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và theo đúng quy định của pháp luật. Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện đa chiều, bám sát vào tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ; công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện bảo đảm phương châm "động và mở"; công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện kịp thời, gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
+ PV: Với vai trò người đứng đầu cấp ủy, đồng chí đánh giá thế nào về kết quả công tác cán bộ nữ của tỉnh thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm công tác cán bộ nữ. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức. Có thể nói, việc quy hoạch cán bộ nữ đến năm 2020 và đến năm 2025 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ nữ theo yêu cầu. Ngày càng có nhiều nữ cán bộ, công chức trong diện quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, được điều động, bổ nhiệm giao nhiều trọng trách ở các cơ quan đơn vị, nhiều đồng chí được điều động, luân chuyển về cơ sở để rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển.
Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm bầu vào các chức danh chủ chốt các cấp của tỉnh. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp xã đạt 28,39% (tăng 4,04% so với giai đoạn 2015 - 2020); tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ cấp huyện đạt 23,39% (tăng 3,28% so với nhiệm kỳ 2015 - 2020) và tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đạt tỷ lệ theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021 là 24,68%; cấp huyện là 27,73% và cấp tỉnh là 33,33%; đều bằng và cao hơn so với nhiệm kỳ 2011-2016 (đặc biệt là cấp tỉnh, tăng 4,76%).
+ PV: Xin đồng chí cho biết định hướng phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025?
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải: Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu tổng quát là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030"; 15 nhóm chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục thực hiện 03 đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời tập trung vào 5 nhóm định hướng lớn:
1. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.
2. Chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
3. Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung rèn luyện kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ.
4. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
5. Đặc biệt quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với Đề án phát triển tổng thể theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.
+ PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
* Tít bài do tòa soạn đặt
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn