Chị Trương Thị Thuy cho biết, trước đây, vợ chồng chị làm công việc cạo mủ cao su thuê, công việc bấp bênh. Một lần, chị được tham gia lớp tập huấn về khởi nghiệp do Hội LHPN huyện Chơn Thành tổ chức, được tham quan những mô hình khởi nghiệp thành công, trong đó có mô hình nuôi ong.
Từ đó, chị bắt đầu tính đến chuyện học hỏi để theo nghề nuôi ong lấy mật. Được một người thân chỉ dẫn cách làm, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư thùng để nuôi ong. Ban đầu, chỉ có 20 thùng, đến nay, vợ chồng chị đã gầy dựng được gần 400 thùng.
Chị Thuy chia sẻ: "Tôi thấy người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm đến sản phẩm an toàn, ưa chuộng sản phẩm từ thiên nhiên. Tận dụng lợi thế của địa phương có nguồn hoa cây cao su, cà phê, điều… vợ chồng tôi quyết định đầu tư mô hình nuôi ong lấy mật. Chúng tôi đã thực hiện mô hình này được 9 năm.
Tôi đang được Hội LHPN địa phương hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đầu tư thêm thùng nuôi ong. Mỗi tháng, gia đình có thu nhập khoảng 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, tiền lãi được gần 20 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm được bán cho thương lái, chưa bán lẻ. Vì bán qua trung gian nên tiền lãi còn thấp".
Dự án nuôi ong lấy mật của chị Thuy đã đoạt giải khuyến khích "Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2023" do Hội LHPN tỉnh Bình Phước tổ chức. Sau cuộc thi, chị Thuy đã rút ra nhiều kinh nghiệm và bắt đầu học hỏi thêm các quy trình làm tem nhãn, xây dựng thương hiệu.
"Cán bộ Hội góp ý với tôi nên xây dựng thương hiệu. Hiện nay, tôi đang nhờ Hội tư vấn, hỗ trợ để đăng ký nhãn mác, thương hiệu, bán hàng tận gốc, tăng giá trị sản phẩm của mình làm ra", chị Thuy chia sẻ.
Để duy trì được mô hình, vợ chồng chị phải đồng lòng, nỗ lực vượt khó. Theo chị Thuy, nhiều người cứ tưởng nghề nuôi ong dễ nhưng thực tế không phải như vậy. Người nuôi ong thường phải ăn ngủ ngoài rừng, phải biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào.
Vợ chồng chị Thuy phải đến các vùng khác như Huế, Lâm Đồng, thuê đất của dân để đặt thùng và ở đó trong thời gian 5-6 tháng, khi thu hoạch xong thì di chuyển tiếp để tìm vùng hoa có mật cho ong lấy. Ngoài ra, người nuôi còn phải nắm chắc kỹ thuật, hiểu tập tính của ong, nắm rõ thời tiết.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị Thuy còn là hội viên phụ nữ năng nổ tham gia các hoạt động Hội. Chị được mời tham gia các buổi họp mặt để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho các hội viên, người dân có ý định khởi nghiệp với nghề nuôi ong lấy mật.
"Trừ những lúc di chuyển đến vùng khác, thời gian ở quê, tôi thường tham gia các hoạt động địa phương. Vì tôi hiểu rằng, để có thành công hôm nay, ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự hỗ trợ của Hội, ngành nông nghiệp địa phương", chị Thuy bộc bạch.
Bà Mạc Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành, đánh giá: "Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp ở Chơn Thành phát triển mạnh. Nhiều mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ra đời, truyền cảm hứng cho chị em vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, mô hình nuôi ong lấy mật của chị Thuy là một trong những mô hình hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cao".
Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu mô hình có thể liên hệ chị Trương Thị Thuy theo địa chỉ: Khu phố 2, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Số điện thoại: 0973 272 422.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn