Theo Nhà giáo, TS. Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội: "Khi mới thành lập trường, tôi luôn nghĩ, trường học chân chính là nơi đào tạo ra học trò giỏi. Thành công của giáo dục là đào tạo nên những học sinh xuất chúng, những nhân tài".
Tuy nhiên, sau những thực tế phải đối mặt do áp lực đào tạo ra học sinh giỏi, TS. Nguyễn Văn Hoà đã nhận ra, đó là suy nghĩ sai lầm. TS. Nguyễn Văn Hoà cũng cho rằng, thầy cô nên làm cho việc học tập không còn là "nỗi khiếp sợ", không còn là "cực hình", trái lại, hãy làm cho học sinh thấy vui khi đến trường, lúc đó trẻ sẽ chịu học, thích học, các em sẽ dần tiến bộ.
TS. Nguyễn Văn Hòa cho rằng đây chính là mục tiêu của việc xây dựng trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc chỉ có được khi nhà trường thay đổi cách vận hành với mục tiêu giáo dục vì sự phát triển con người, vì con người.
Nói về trường học hạnh phúc, cô Lưu Thị Lập, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Q.Đống Đa, Hà Nội), cho rằng, để kiến tạo ngôi trường hạnh phúc cần nhiều thành tố và điều kiện. Khi xác định con đường xây dựng, lãnh đạo nhà trường phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ cơ sở lý luận.
Từ đó, nhà trường vận dụng linh hoạt, hợp lý từ đặc điểm, điều kiện thực tế để xây dựng đúng hướng nhưng vẫn mang nét đặc trưng riêng. Với kinh nghiệm xây dựng trường học hạnh phúc nhiều năm tại trường, theo cô Lập, người đầu tiên cần thay đổi chính là hiệu trưởng.
Hiệu trưởng của trường học hạnh phúc thay đổi cách quản trị để tạo ra môi trường làm việc hiệu quả, tích cực, biến áp lực thành động lực để giáo viên hăng say đổi mới sáng tạo.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, để có trường học hạnh phúc, người quản lý cần thay đổi cách điều hành, quản trị, giảm bớt áp lực, công việc không tên cho nhà giáo; đặc biệt giảm bệnh thành tích trong tư duy của người lãnh đạo đến giáo viên và phụ huynh. Có như vậy mới tạo ra môi trường hạnh phúc, truyền cảm hứng học tập cho học trò.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục), cho biết, "trường học hạnh phúc" đã trở thành cụm từ quen thuộc hiện nay. Mô hình "trường học hạnh phúc" cũng đa dạng, khác nhau…
Có thể nói, trường học hạnh phúc đã đem lại hiệu quá đáng trân trọng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc xây dựng trường học hạnh phúc đang xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau, có những xu hướng không phù hợp với mục tiêu định hướng giáo dục.
Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng trường học hạnh phúc thì ngành cũng cần xác định mô hình, cách làm, giá trị cốt lõi của trường học hạnh phúc để có sự thống nhất trong quản lý, định hướng.
Được biết, đến thời điểm này, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai một cách bài bản về trường học hạnh phúc với việc đưa ra bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.
Việc xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
Tại Hà Nội, việc xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc đang được triển khai thận trọng với 15 tiêu chí và được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên toàn ngành.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết, với mong muốn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh, học viên và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, chia sẻ và thấu hiểu; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống, Sở xây dựng bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" để giúp các nhà trường có cơ sở đối chiếu, tự đánh giá và có giải pháp phấn đấu đạt được các tiêu chí để xây dựng trường học hạnh phúc.
Tuy nhiên, cùng với việc đưa ra các tiêu chí về trường học hạnh phúc, nhiều ý kiến lo ngại các cơ sở giáo dục khi xây dựng trường học hạnh phúc sẽ rơi vào hình thức, nhất là khi có việc xét duyệt, công nhận danh hiệu hay đưa vào đánh giá thi đua.
Trước lo ngại này, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu, không được hành chính hóa việc xây dựng trường học hạnh phúc. "Tôi biết khi triển khai việc này, nhiều thầy cô hiệu trưởng sẽ lo lắng. Nhà trường tự đánh giá các tiêu chí của trường học hạnh phúc nhưng nếu kết quả tự đánh giá quá thấp thì họ có bị xét thi đua không? Vì vậy, tôi đề nghị không đưa nội dung này vào thi đua. Để các trường thực hiện vì sự tiến bộ của chính nhà trường".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn