Xây dựng 'văn hóa an sinh', tự giác tham gia BHYT, BHXH

09:35 | 10/04/2019;
Tại buổi làm việc giữa BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH ngày 9/4, lãnh đạo 2 ngành cùng thống nhất tăng cường phối hợp, cần tạo nên “văn hoá an sinh” trong xã hội để người dân thấy được sự thiết thực của các chính sách an sinh và tự giác tham gia.

Ngày 9/4, tại buổi làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH với BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết: Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, kế hoạch nhiệm vụ được giao trong công thu, giảm nợ BHXH; cải cách TTHC, ứng dụng CNTT; đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người hưởng…

Hết năm 2018, toàn quốc có 14,724 triệu người tham gia BHXH, đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; 12,68 triệu người tham gia BH thất nghiệp chiếm khoảng 26,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; 83,51 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 88,5% dân số, vượt 3,3% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: BHXH là mô hình đặc biệt vừa mang chức năng quản lý nhà nước là giám định BHYT, xây dựng chiến lược, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; vừa mang chức năng giống đơn vị sự nghiệp trực tiếp thu, chi trả…

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, chính vì tính chất đặc thù, nên một số vướng mắc trong chính sách khiến Ngành khó thực hiện. Đơn cử, vấn đề xử lý nợ BHXH trong các DN phá sản, có chủ bỏ trốn... Nếu không giải quyết được sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến cuộc sống NLĐ.

Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng gặp khó khăn trong mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện… Trong năm 2019, BHXH Việt Nam phấn đấu liên thông tất cả các phần mềm. Riêng cải cách bộ máy, Ngành sẽ thực hiện thận trọng, vì liên quan đến người dân. BHXH Việt Nam mong muốn Bộ trưởng quan tâm đến việc hoàn thiện quy định chức năng thanh tra chi BHXH, để tới đây sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh mong muốn, thời gian tới tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ Bộ LĐ-TB&XH trong hoàn thiện, sửa đổi, xây dựng chính sách BHXH, BHYT; kết nối dữ liệu giải quyết chế độ BH thất nghiệp; thực hiện thanh tra chuyên ngành; phát triển BHXH tự nguyện…

Đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng vùng miền, từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng người nông dân và lao động khu vực phi chính thức. 

bhxh-viet-nam.jpg
Buổi làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH với BHXH Việt Nam diễn ra ngày 9/4

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tựu mà ngành BHXH đã đạt được thời gian qua, đồng thời khẳng định: Những khó khăn, thách thức đó, Bộ LĐ-TB&XH sẽ sát cánh, đồng hành cùng BHXH Việt Nam để cùng nhau tháo gỡ, giải quyết với những giải pháp, việc làm cụ thể vì một mục tiêu chung đảm bảo quyền lợi của người dân, người lao động.

Đặc biệt là cần thay đổi nhận thức của nhân dân, người lao động về chính sách an sinh xã hội với 2 trụ cột chính là BHXH, BHYT; "phải tạo nên “văn hoá an sinh” trong xã hội để người dân thấy được lợi ích sát sườn, thiết thực của các chính sách này, từ đó tự giác tham gia". 

Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, hai ngành phải tăng cường phối hợp để góp ý, kiến nghị xây dựng, sửa đổi chính sách BHXH, BHYT hấp dẫn hơn; giải quyết ngay những vấn đề đang tồn tại như tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT cần có những chế tài mạnh, xử lý dứt điểm. 

5 năm trở lại đây, BHXH Việt Nam có một bước tiến dài với nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển đối tượng, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng tăng lên; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ đi trước đón đầu, hoàn thiện được cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT... Những điều đó đã tạo nền tảng đảm bảo ASXH của đất nước. Nhưng ngành BHXH cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn khi: Nhận thức của người dân về hệ thống ASXH chưa cao; các chính sách BHXH, BHYT được thiết kế chưa thực sự hấp dẫn với người dân, NLĐ... đòi hỏi, BHXH Việt Nam phải tiếp tục chủ động, cố gắng hơn nữa trong phối hợp với các bộ, ngành kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách; kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng phục vụ.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn