1. Có lần, một vị Vụ trưởng từng học ở Mỹ hỏi: "Học Mỹ về, du học sinh Việt được tính khoa học, tư duy phản biện và kỹ năng cạnh tranh. Còn đi Ấn Độ thì học được gì ở cái xứ mất vệ sinh nhất quả đất vậy em?"
Suy nghĩ một lúc, tôi mới bật ra được thành lời: "Chữ "Nhẫn" và lòng biết ơn!"
- "Nghe cứ "sao sao"! Vị vụ trưởng nhún vai, không hiểu.
Không hiểu là đúng bởi anh ấy đâu có như tôi sống 3 năm giữa Old Delhi, hòa vào những khu dân cư loang mùi ẩm mốc được ủ từ ngàn năm trước. Đâu phải đi học bằng xe bus công cộng khi nhiệt độ mặt đường gần 60 độ C. Hồi ấy có chuyến xe đông đến nỗi tôi như bị ép chặt, chân không chạm được xuống sàn mà người thì như bị đủn trôi. Trong những chuyến xe lắc lư, lảo đảo ấy, ánh mắt khẩn nài của cậu bé bán dừa bám vào tâm trí tôi. "Ek Rupee, Ek Rupee dee"… Không mũ, dưới nắng chói, da nó đen tái. Gần đó, hàng chục đứa trẻ khác giống nó y chang đang chạy theo. "Dừa đây, 1 Rupee một miếng, 1 Rupee một miếng". Mỗi miếng dừa gọt sẵn giá 1 Rupee (350 VNĐ), không biết nó lời lãi thế nào, bán được bao nhiêu miếng mỗi ngày, lấy gì mà sống?
Lần khác, tôi xí được ghế ngồi cạnh một phụ nữ mảnh như cái lá, mặc sari lòa xòa. Gần 1 tiếng trên xe, tôi thấy hoàn toàn bình thường, cho đến khi nghe thấy tiếng "Ẹ" thoảng như gió. "Ẹ"… Và người phụ nữ ấy kéo vạt sari. Một đứa trẻ nhỏ đúng bằng cái phích cá nhân hay dùng cho trẻ con, hiện ra, nhìn tôi bằng ánh mắt mờ đục. Không biết nó có đủ lực để sống tiếp?
Xe bus Delhi luôn đông nghẹt nhưng lại có hẳn một dãy ghế dành riêng cho phụ nữ. Nam giới có thể ngồi tại đó nhưng nếu có phụ nữ lên xe thì nam giới phải đứng lên trả chỗ. Giá vé thì rẻ như cho không. Là một vùng thủ đô rộng lớn hàng đầu thế giới, dài hơn 50 còn rộng thì xấp xỉ 50 cây số, vậy mà giá vé giảm trừ cho sinh viên chỉ từ 2 đến 10 Rs. (từ khoảng 700 đến 3.500 VNĐ)/tuỳ chặng. Hơn 6 ngàn xe chạy dọc ngang, chở khoảng 60% trong số hơn 20 triệu dân Delhi vất vả, lam lũ, đủ trang phục, đạo giáo, vùng miền, mùi vị… Xe bus thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cánh nhà nghèo + bình dân. Càng đi về hướng các khu nhà giàu thì xe càng vắng vẻ. Đặc biệt, xe bus chỉ cần chạy qua những biệt thự giàu có hoặc khu Sứ quán ở New Delhi, lượn sang "Chợ Sân bay" hay nháo qua cửa mấy trường Đại học dành riêng cho nữ… thì đã bớt lem nhem, bớt hôi nồng, thay vào đó là sáng sủa, thơm tho, "sang chảnh" hơn hẳn các "đồng nghiệp" chuyên lượn khu phố cũ. Đó cũng là nơi chuyên chở ước mơ của các sinh viên "vùng sâu, vùng xa" như tôi về học bổng, về niềm vui, sự đoàn tụ, tình đồng hương và cả tương lai tươi sáng. Cứ khi nào Sứ quán gọi lên lĩnh học bổng, đi tập hát hay dự Tết cổ truyền là tôi lại xúng xính diện bộ đồ tử tế nhất rồi lao ra bến. Gom góp niềm vui, dè xẻn tình cảm cho cả tuần, cả tháng một mình học hành, ôn thi trong thời tiết khắc nghiệt, trong cô đơn cùng cực và chiếc ví rỗng không.
2. Dẫu thế, từ cửa sổ xe bus, tôi phát hiện trời Delhi trong và xanh biết bao nhiêu. Mùa hoa Delhi đẹp biết nhường nào và hoa sữa ở Delhi nồng nàn hơn bất kỳ đâu. Loang loáng qua cửa sổ những sắc màu phượng vĩ đỏ như máu và bằng băng tím sậm. Qua khung cửa sổ, tôi ngắm những thành quách nghìn năm được chạm trổ cầu kỳ, ngắm India Gate uy nghi và Lotus Temple thanh nhã nổi bật bông sen khổng lồ đang hé nở. Tôi chứng kiến đám cưới tưng bừng tiếng nhạc có voi đưa chú rể, cô dâu dạo phố; những trang kim, vòng xuyến, hạt xoàn mỹ ký… lấp lánh trên những bộ sari đã bạc màu. Trên xe bus, tôi mân mê chỉ vàng đầu tiên trong đời dành dụm từ tiền học bổng và cười vang khi thấy cậu bạn người Ấn ngồi chênh vênh trên chiếc xe bò kéo lướt ngang qua.
3. Từ xe bus bước xuống đường là một cảm giác thật kỳ lạ. Ngỡ ngàng, hít thở căng lồng ngực. Ràn rạt bên tai làn gió mát rượi và lá me vàng lao xao. Từ xe bus, tôi bỗng thấy mình còn hạnh phúc hơn bao người, thấy cảm phục sự nhẫn nại đến kiên cường của người Ấn. Những con người lam lũ ngồi cạnh tôi đây cũng chính là một phần của con đường đầy nhọc nhằn đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Trong khó khăn, họ vẫn sẵn lòng dành Quỹ học bổng quốc gia để hỗ trợ, cưu mang cho sinh viên Việt Nam được học tập, được đi tham quan dọc ngang Ấn Độ. Trong chiến tranh lẫn hòa bình, người Ấn luôn dành cho Việt Nam tình cảm yêu mến thật đặc biệt.
4. Ấn Độ không trung tính, chỉ có cực này hoặc cực kia. Vì vậy cũng dễ hiểu khi người đã biết Ấn Độ thì một là bài xích, lảng tránh, hai là vấn vương, ám ảnh đến hết đời. Chỉ có đến và cảm nhận đầy đủ sự xung đột dữ dội cùng chấp nhận lẫn nhau của các mâu thuẫn, đối lập, khác biệt, bảo vệ và xóa bỏ, hiện đại và truyền thống, dân chủ và vô tổ chức, nhân hậu và bạo liệt, thanh vắng và đông nghẹt thở… trong từng khoảnh khắc, ta mới thấy được những giá trị khác khó đo đếm được bằng vật chất hữu hình.
Hơn 20 năm qua đi, xe bus Delhi đã thành một ô kỷ niệm "vô tiền khoáng hậu" với không ít du học sinh Việt Nam. Chữ "Nhẫn" và lòng biết ơn mà chúng tôi học được từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt trong thời gian du học Ấn Độ cũng trở thành chìa khóa để không ít du học sinh ngày ấy thành đạt, trở thành lãnh đạo cao cấp trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam hôm nay. Có điều, dù đi bất kỳ đâu, ở cương vị nào, cứ nghe hai tiếng Ấn Độ là lại chia ngọt sẻ bùi, lại rưng rưng thương nhớ.
Nói như R.Tagore:
"Sự bình tĩnh trầm ổn, sự vô tư hào phóng, tình yêu thương không vị kỷ, nỗ lực không vụ lợi là những điều mang đến thành công trong cuộc đời. Nếu bạn có thể tìm thấy sự yên bình trong bản thân và chia sẻ nguồn an ủi ra xung quanh, bạn sẽ hạnh phúc hơn cả vua chúa".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn