Gian nan phạt nguội
Đại tá Phạm Văn Hòa, Phó trưởng phòng tuần tra kiểm soát đường bộ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), cho hay, thống kê trong 3 năm gần đây (từ năm 2016 đến nay), lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2.746 trường hợp xe máy đi vào cao tốc. Nhìn chung, mỗi năm tình hình vi phạm đều giảm.
Cụ thể, năm 2016 có 1.800 trường hợp vi phạm (do các tuyến cao tốc đang xây dựng hoặc mới đưa vào khai thác nên chưa hoàn thiện). Năm 2017 là 491 trường hợp, từ đầu năm tới nay là trên 300 trường hợp.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới các vi phạm, Đại tá Hòa cho rằng, khi thiết kế kết cấu hạ tầng tốt sẽ giảm thiểu xe máy đi vào cao tốc và phát huy hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng và tổ chức giao thông bất hợp lý, có quá nhiều điểm hở sẽ dẫn đến hiệu quả thấp. Khi có quá nhiều người vi phạm nhưng chỉ xử lý được vài ba trường hợp sẽ dẫn đến hiệu lực gần như không có.
“Cả nước có trên 700km đường cao tốc đi qua 21 địa phương nhưng đa phần chưa có hệ thống camera xử lý vi phạm mà mới chỉ có hệ thống giám sát thu phí nên lực lượng Cảnh sát giao thông trên đường vẫn phải làm việc bằng thủ công. Ví dụ như cao tốc Nội Bài-Lào Cai hoàn thành cách đây vài năm nhưng giờ vẫn chưa có camera giám sát”, Đại tá Hòa phân tích và đưa ra dẫn chứng.
Bổ sung thêm, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, nhìn nhận, xe máy đi vào cao tốc đa dạng thành phần, độ tuổi. Có nhóm đối tượng không biết nên đi vào; nhóm biết không được đi vào nhưng cho rằng hành vi không gây hậu quả nghiêm trọng nên vi phạm và nhóm biết nhưng cố tình vi phạm.
Tận mắt chứng vi phạm, ông Minh cho biết, ngày nào cũng thấy cũng có ít nhất một vài trường hợp đi xe máy “thong dong” vào đường trên cao vành đai 3. Phần lớn trong đó cố tình chở hàng cồng kềnh...
Cho biết có nhiều trường hợp quay đầu bỏ chạy khi lực lượng chức năng xử lý vi phạm , theo ông Minh, Bộ Công an có Thông tư hướng dẫn chi tiết hướng dẫn xử phạt xe trên đường cao tốc trong đó có quy định không dừng xe xử phạt trên cao tốc mà tổ chức khống chế đầu ra, vào dừng xe để xử phạt.
“Thực tế, những trường hợp phát hiện xe máy đi trên cao tốc có hành vi cực kỳ nguy hiểm sẽ buộc phải huy động lực lượng chấm dứt. Ngoài ra, trường hợp vi phạm khác có thể khống chế tốc độ và ở thời điểm hợp lý sẽ xử lý”, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói.
Cho rằng việc ứng dụng công nghệ giao thông trong giám sát, phạt nguội chưa hiệu quả, ông Minh nêu ra lý do vì nền tảng công nghệ hỗ trợ cho việc này còn thiếu và yếu.
Đơn cử, về nguyên tắc, phương tiện cơ giới phải đăng kiểm nhưng tại Việt Nam xe máy chưa phải tiến hành việc này nên quá trình kiểm soát, cập nhật xác minh nguồn gốc đăng ký là còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, việc xử phạt nguội với xe máy là thách thức cực kỳ lớn. Ngoài ra, hệ thống thông tin địa chỉ cho phép quản lý người lái ở Việt Nam chưa có, có địa chỉ chủ xe phải ghi 3-5 dòng mà chưa tìm thấy trên bản đồ nên không gửi được tới người vi phạm.
“Chúng ta phải kiên quyết chuẩn bị đầy đủ nền tảng cho công tác phạt nguội, những quy trình hệ dữ liệu quan trọng hơn thiết bị. Khi có camera, thiết bị thông tin thì hiệu quả tăng gấp bội”, ông Minh nói.
Cần xử phạt lũy tiến khi tái phạm
Ông Minh cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền và tổ chức giao thông rõ ràng, mạch lạc để người dân không đi nhầm. Ví dụ như sơn lên vạch đường cấm xe máy để lái xe dễ dàng nhận biết chấp hành (bởi chỉ cắm biển báo có người nhìn, người không); tăng cường đào tạo sát hạch lái xe; tăng xử phạt nghiêm những hành vi đi xe máy vào cao tốc…
“Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ xoay quanh phạt tiền nhưng trên thế giới còn có các hình thức xử phạt đa dạng khách như trừ điểm bằng lái, tịch thu bằng lái, bắt lao động công ích, thi lại lý thuyết và thực hành… để chấm dứt hành vi vi phạm đe dọa tính mạng người dân”, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh.
Theo ông Minh, nguyên tắc cơ bản là người đi đúng là người cần được pháp luật bảo vệ. Do đó, không có chuyện xe ôtô đi đúng, xe môtô đi sai phải bồi thường khi có sự cố. Vì thế, pháp luật phải phân tách rõ ràng bảo đảm bảo vệ người đi đúng nếu không người đi sai sẽ không sợ, dẫn đến trật tự an toàn giao thông bị ảnh hưởng.
“Nhà nước không nhất thiết tịch thu bằng lái hay tăng xử phạt mà quan trọng cần có hệ dữ liệu xe và người điều khiển quốc gia để quản lý tái phạm và xử phạt lũy tiến khi tái phạm. Hành vi lặp đi lặp lại 3 lần chứng tỏ đối tượng đó hoàn toàn coi thường pháp luật nên áp dụng mức phạt gấp 5-20 lần so với bình thường để có hiệu lực răn đe lớn”, ông Minh "hiến kế".
Cho rằng tịch thu phương tiện là điều rất khó khi xác định lỗi cố ý hay vô ý xe máy vi phạm đi vào cao tốc, Đại tá Hòa cho rằng, cơ quan Nhà nước cần nâng mức xử phạt. Trong trường hợp người điều khiển phương tiện bỏ xe thì Nhà nước sẽ hóa giá.
Ngoài ra, khi xây dựng đường cao tốc cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về biển báo, hệ thống đường gom, cầu vượt liên tục, lưới bảo vệ… để phương tiện xe máy không thể 'chui' vào tuyến đường này.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các loại xe tương tự xe gắn đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nếu vi phạm mà gây ra tai nạn giao thông thì bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn 2-4 tháng. |