Bệnh dạ dày được chọn làm chủ đề chính trong số gần nhất của chương trình sức khỏe trực tuyến Đài Loan (Trung Quốc) “Doctor is so hot”. Tham gia chương trình với tư cách chuyên gia y tế, bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa và Gan mật Xiao Dunren cho biết: tình trạng phân có thể phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe nhưng ít người có thói quen kiểm tra nó sau khi đại tiện. Bên cạnh đó, chúng ta có thói quen tự ý sử dụng hoặc dùng quá liều thuốc tiêu hóa, thuốc giảm đau dạ dày mà không biết tác hại của nó.
Ông cũng chia sẻ một trường hợp nữ bệnh nhân họ Liu (tên họ đã được thay đổi) gặp phải tình trạng tương tự. Theo lời bệnh nhân kể, bà bị đau đầu gối nên đã đến thăm khám và đến gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Sau đó được kê đơn thuốc giảm đau chống viêm và giãn cơ và một số thuốc khác. Sợ các loại thuốc này gây khó chịu dạ dày nên vị bác sĩ chỉnh hình kê thêm thuốc giảm đau dạ dày cho bà Liu.
Bên cạnh đau bụng, đi ngoài phân đen cũng là dấu hiệu cảnh báo các bệnh dạ dày (Ảnh minh họa)
Thật không ngờ, trong gần một tháng dùng thuốc, bà Liu vẫn thường xuyên bị đau bụng. Cơn đau âm ỉ, không quá dữ dội nhưng trở nên rõ ràng mỗi khi ăn uống. Khoảng 1 tuần cuối của tháng đó, bà vô tình nhận ra phân của mình có màu đen khi đại tiện xong. Tuy nhiên, cho rằng cả đau bụng và phân đen đều là tác dụng phụ của thuốc nên bà không quá quan tâm.
Khi bà vô tình kể chuyện này cho con dâu vì chị này cũng từng dùng thuốc dạ dày, các con của bà nhất quyết đưa bà tới bệnh viện thăm khám. Lúc đầu khi gặp bác sĩ Xiao Dunren, bà Liu cho rằng mình uống nhiều thuốc nên khó tiêu dẫn tới đau bụng, phân đen là chuyện bình thường. Nhưng khi nhìn thấy kết quả nội soi có tới 30 cái lỗ trong dạ dày bà bàng hoàng tới mức suýt ngã ra khỏi ghế. Kết quả chẩn đoán bà bị viêm loét dạ dày nghiêm trọng, đồng thời có dấu hiệu xuất huyết dạ dày.
Bác sĩ Xiao Dunren chia sẻ: viêm loét dạ dày phổ biến và cũng nguy hiểm hơn so với suy nghĩ của hầu hết mọi người. Đây là tình trạng bệnh lý mà khi đó lớp niêm mạc trong dạ dày bị tổn thương và hình thành các vết loét, gây viêm nhiễm. Tùy theo vị trí của vết viêm, vết loét mà tên gọi cụ thể của từng bệnh lý cũng được chia nhỏ. Ví dụ như đau thượng vị dạ dày, viêm hang vị, viêm bờ cong nhỏ, loét hang vị, viêm tâm vị, viêm loét dạ dày tá tràng…
Ngoài cảm giác đau đớn, ảnh hưởng tới ăn uống, sinh hoạt hàng ngày thì viêm loét dạ dày còn có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây tử vong. Bao gồm hẹp môn vị dạ dày, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày…
Hình ảnh nội soi cho thấy bà Liu có tới 30 vết loét dạ dày (Ảnh BS cung cấp)
Với trường hợp của bà Liu, trong số 30 vết tổn thương dạ dày thì hầu hết là các vết loét có kích thước nhỏ tới trung bình, tức dưới 1cm. Mức độ nghiêm trọng của từng vết loét cũng khác nhau về độ sâu, ảnh hưởng tới lớp cơ và chảy máu. Trong đó cũng có khoảng 5 vết loét kích thước tử 1 tới vài centimet. Sau khi xử lý tình trạng xuất huyết thành công, bệnh nhân được điều trị ngoại trú.
Về nguyên nhân gây bệnh ở bà Liu, bác sĩ Xiao Dunren cho biết là sử dụng thuốc giảm đau sai cách. Cụ thể, thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) có thể gây viêm loét dạ dày khi dùng kéo dài với liều cao. Viêm loét dạ dày thường phổ biến ở người lớn tuổi, sử dụng loại thuốc này để điều trị các bệnh lý như đau nhức xương khớp giống như bà Liu.
Đồng thời, thuốc dạ dày do bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình trước đó kê không đủ mạnh để bảo vệ dạ dày bị tổn thương bởi thuốc chống viêm và giảm đau xương khớp. Sau khi hội ý với bác sĩ xương khớp tại bệnh viện, bác sĩ Xiao Dunren đã ưu tiên việc phục hồi dạ dày cho bệnh nhân bằng cách hạn chế thuốc giảm đau chống viêm, chỉ uống khi cơn đau đầu gối khó chống đỡ. Sau đó mới thay đổi đơn thuốc để giúp bà Liu chống lại bệnh xương khớp mà không gây hại cho dạ dày. Hết liệu trình 4 tháng, tái nội soi dạ dày và khám xương khớp cho thấy sức khỏe của bà đã thật sự ổn định lại.
Qua trường hợp của bà Liu, bác sĩ Xiao Dunren cũng muốn nhắc nhở chúng ta hãy lưu ý tới những triệu chứng của viêm loét dạ dày như:
- Đau tức bụng, nhất là vùng bụng trên và đôi khi lan ra sau lưng. Thường đau khi ăn no hoặc khi đói, ăn một chút sẽ bớt đau rõ rệt.
- Đầy bụng kèm ợ hơi, ợ chua.
- Buồn nôn và nôn. Đặc biệt, nôn xong có cảm giác đắng miệng và sẽ giảm hẳn cảm giác đau bụng.
- Đi ngoài phân đen hoặc lẫn máu.
- Ăn không ngon miệng, chán ăn, đắng miệng, suy giảm vị giác.
- Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón xen kẽ, lập tức buồn đại tiện ngay sau khi ăn xong.
Ngoài dùng thuốc, viêm loét dạ dày cũng có thể được hình thành từ rất nhiều nguyên nhân khác. Ví dụ như nhiễm vi khuẩn HP, các thói quen xấu như căng thẳng kéo dài, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh (ăn không đúng giờ, thường xuyên bỏ bữa, ăn nhiều các thức ăn chua, cay nóng…). Ngoài ra, bệnh cũng có thể di truyền, những người có tiền sử gia đình mắc bệnh nên thường xuyên thăm khám định kỳ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn