Sáng nay (20/5/2024), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, đợt 1: từ ngày 20/5 đến ngày 8/6 và Đợt 2: từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 26,5 ngày.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nhấn mạnh: Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập pháp, ông Trần Thanh Mẫn cho biết: công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm gần 2/3 thời gian của Kỳ họp với số lượng 24 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Đây là khối lượng nội dung về lập pháp lớn nhất được xem xét tại một kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật; 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác.
Theo chương trình kỳ họp, cuối buổi sáng ngày 20/5 đến ngày 22/5, Quốc hội dành thời gian tiến hành công tác nhân sự; trong đó sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội trước rồi tiến hành bầu chức danh Chủ tịch nước.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết thêm, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra 16-18/5) đã diễn ra thành công tốt đẹp; trong đó Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu: Đồng chí Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung đóng góp ý kiến toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật của dự thảo luật để bảo đảm chất lượng cao nhất khi được xem xét, thông qua. Đối với các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, những nguyên tắc, mục tiêu, quan điểm lớn, chính sách quan trọng; tính hợp lý, khả thi của các quy định để làm cơ sở cho các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.
Với các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội phân tích khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, qua đó đánh giá chất lượng và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác dự báo, dự toán ngân sách nhà nước. Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2024, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội…; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, khu vực để đánh giá đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu...
Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.
Khối lượng công việc của Kỳ họp thứ 7 là rất lớn; để Kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước cũng như sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn