Mục tiêu của tháng cao điểm là thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020”; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.
Đồng thời, các hoạt động trong tháng hành động hướng tới giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Trong tháng hàng động, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (như: xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai), đẩy mạnh các can thiệp, chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS nêu rõ trong tháng cao điểm, hoạt động truyền thông sẽ tập trung vào các nội dung như lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; điều trị sớm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Hoạt động truyền thông cũng hướng tới nội dung quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin; quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương...; đảm bảo tài chính cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn như: tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã).
Các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tổ chức các chuyến giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị…
Ngoài ra, các hoạt động khác cũng được tổ chức ở nhiều địa phương, như hội nghị, hội thảo (tập trung vào các chủ đề như: xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại cộng đồng; trả kết quả khẳng định nhiễm HIV sớm cho phụ nữ nang thai có test nhanh dương tính; điều trị bằng ARV sớm cho trẻ khi khẳng định nhiễm HIV…); gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với người nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, vợ người nhiễm HIV, người trong độ tuổi sinh đẻ.
Ngoài ra còn có các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả (theo dõi cặp mẹ con, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại trạm y tế xã, trả kết quả khẳng định cho phụ nữ có test nhanh HIV dương tính); mít tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.