Xét xử vụ án 'vợ bắn chồng ở Chương Dương': Tranh cãi nảy lửa tại tòa

22:33 | 31/07/2018;
Mặc dù chưa đến phần tranh luận, mới ở phần xét hỏi, song không khí phiên tòa sơ thẩm vụ án “vợ bắn chồng ở Chương Dương” khá căng thẳng, cả bị cáo lẫn bị hại liên tục đổ lỗi cho nhau. Bị cáo Lê Ngọc Lê liên tục kêu oan, phủ nhận các cáo buộc của Viện kiểm sát.

Hôm nay, 31/7, TAND thành phố Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Giết người” xảy ra tại nhà 671 đường Hồng Hà (phường Chương Dương, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bị cáo trong vụ án này là Lê Ngọc Lê (SN 1976, trú tại địa chỉ trên), bị hại là chồng của Lê - ông Trương Hữu Tiến.

xet-xu-1.jpg
Bị cáo Lê Ngọc Lê (áo hoa) tại tòa

Mở đầu phiên tòa, sau phần truy xét lý lịch, bị cáo Lê Ngọc Lê đề nghị thay đổi vị đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm. Bị cáo Lê cho rằng vị kiểm sát viên này không khách quan, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án. Luật sư Lê Quốc Việt bào chữa cho bị cáo cũng đồng tình quan điểm này, đề nghị thay kiểm sát viên.

Tuy nhiên, luật sư bảo vệ cho bị hại thì cho rằng, việc mâu thuẫn, đối lập giữa kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa với bị cáo là điều hiển nhiên, không tránh khỏi. Vì thế, đề nghị HĐXX cân nhắc trước khi quyết định thay hay không thay kiểm sát viên.

HĐXX đã tạm dừng phiên tòa để hội ý trước khi đưa ra quyết định. Sau khoảng 30 phút hội ý, HĐXX đã quyết định bác đề nghị của bị cáo, giữ nguyên kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm.

Sau khi đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng, bị cáo Lê Ngọc Lê đã phản bác cáo trạng, cho rằng mình bị oan, bị ép cung, nhục hình để ký vào biên bản tự thú, trên thực tế, bị cáo không tự thú.

Tại tòa, bị hại Trương Hữu Tiến phản bác những lời kêu oan của bị cáo và cho rằng bị cáo đã có sự chuẩn bị trước khi gây án. Khoảng 8h tối 31/12/2014, khi đi làm về, bị hại mở và khóa cổng xong thì bị cáo Lê đứng chờ sẵn giơ súng dí vào đầu. Bị hại phản xạ quay đi thì súng nổ nên không trúng người.

Tuy nhiên, trong lời khai của bị hại trước tòa cũng có những mâu thuẫn và khó hiểu. Bị hại khai sau khi khóa cửa, thấy Lê giơ hay tay về phía trước, tay đeo găng màu trắng, nhưng không nhìn rõ là bị cáo Lê cầm vật gì. Nhưng bị hại vẫn né để tránh đạn.

Tại tòa, bị hại đề nghị HĐXX xử lý bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường tổn thất tinh thần, tổn thất danh dự, sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Tại tòa, anh Trương Anh Sơn (SN 1996, con của bị cáo và bị hại) khai, vào khoảng 8h tối 31/12, khi đang chơi game và dọn nhà trên tầng 2 thì nghe tiếng súng nổ và nghe bố kêu cứu nên vội vàng cầm chìa khóa chạy xuống để mở cửa. Trước khi mở cửa, anh Sơn lách qua nơi bố mẹ đang vật lộn nhau ở sàn nhà. Sau khi mở cửa, anh Sơn chạy ra ngoài và kêu cứu.

“Cháu mở cửa và chạy ra ngoài để kêu những người xung quanh. Cháu quay trở lại nhà thì thấy bố mẹ đã đi ra ngoài hết. Sau khi mẹ ra khỏi nhà, bố cháu là người ra tiếp theo. Cháu quay trở lại nhà để tìm súng nhưng không thấy. Cháu đến công an phường sau bố một lúc. Khi cháu đến công an phường thì thấy bố và 1 người nữa ở phường”, anh Sơn khai tại tòa.

xet-xu-2.jpg
Bị cáo Lê liên tục kêu oan, cho rằng mình bị bức cung, nhục hình

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Ngọc Lê kêu oan và cho rằng bị cán bộ công an Nguyễn Trường Linh bức cung, mớm cung và chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tại phiên tòa, ông Linh phủ nhận những cáo buộc đó. “Tôi không dùng bức cung nhục hình đối với bị cáo Lê. Các cơ quan tố tụng làm đúng quy định pháp luật. Khi Lê vào nhà tạm gian thì có gửi lại hơn 12 triệu đồng, số tài sản đó không liên quan đến vụ án, theo nguyện vọng của Lê, số tiền trên được chuyển cho Chi hội phụ nữ nơi Lê cư trú”, ông Nguyễn Trường Linh khẳng định.

Cũng tại phiên tòa này, xuất hiện nhiều tình huống tranh cãi giữa bị cáo và bị hại, Chủ tọa phiên tòa đã nhiều lần phải nhắc nhở để giữ trật tự.

Ngày mai, 1/8, phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi và tranh tụng.

Tại tòa, luật sư Lê Quốc Việt có hỏi và làm rõ một số mâu thuẫn trong các biên bản vụ việc của công an phường Chương Dương như vì sao Biên bản tạm giữ đồ vật và Biên bản niêm phong tang vật lại được lập ở công an phường Chương Dương trong khi việc thu giữ các tang vật trên được thực hiện tại hiện trường? Vị đại diện công an phường Chương Dương lý giải: Do thói quen nên ghi nơi lập biên bản là trụ sở công an phường Chương Dương, dù bản chất là lập ở hiện trường. Luật sư bào chữa cho bị cáo cũng đặt câu hỏi về sự thiếu thống nhất về mặt thời gian trong quá trình lập biên bản, ông Vũ Văn Hải - Trưởng công an phường Chương Dương - thừa nhận có nhầm lẫn về mặt thời gian, còn bản chất là theo đúng trình tự thủ tục. Vị này lý giải, lúc đó cán bộ công an không mang theo đồng hồ và có thể đồng hồ của mỗi người một khác, giờ giấc có thể không chuẩn xác, không trùng nhau.

PNVN sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn