Những câu hỏi gây tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân
Chị Hoa hiện sống ở Hà Nội và đang một mình nuôi con gái. Chị cho biết vợ chồng trục trặc từ khi con mới 5 tuổi. Chị từng bị chồng bạo hành và đã phải đến tạm lánh ở Ngôi nhà Bình yên (20 Thụy Khuê, Hà Nội), sau đó thì quyết định ly hôn.
Chị Hoa cho biết: “Kể từ khi đi rời khỏi nhà, bế con đi tạm lánh đến giờ, tôi luôn phải đối mặt với rất nhiều áp lực về tâm lý. Tôi luôn bị lúng túng trước cái nhìn, những câu hỏi từ những người xung quanh, kiểu như: Tại sao lại bị đánh? Phải như thế nào thì mới bị rời nhà đi? Sao lại không cho con về với bố? Sao không để cho con có bố?… Hoặc với con gái tôi, cũng có nhiều lần con bị trêu chọc, bị hỏi: Sao cậu không được bố đến đón? Vì sao các bạn khác vẫn được bố đón, mua quà cho còn bạn thì không? Không có bố chán chết đi được, sao cậu không thể rủ mẹ về với bố?…
Khi ấy, con rất buồn, mang những câu hỏi đó về hỏi lại mẹ. Tôi con thương lắm, đôi khi lúng túng không biết phải trả lời con làm sao. Sau ly hôn, bản thân người phụ nữ cũng rất chếnh choáng, cũng cần phải có chỗ dựa, nhưng rồi vẫn còn nhiều người nhìn vào những người phụ nữ đang một mình nuôi con như là họ đã cố tình làm sai hoặc là có lỗi lầm gì đó”.
Vẫn bị quá quan tâm đến “cấu trúc gia đình”
Với chị Yến là thành viên nòng cốt của Nhóm tự lực hiện có hơn 30 thành viên là những phụ nữ ly hôn, làm mẹ đơn thân… ở Hà Nội. Chị cũng cho biết: “Tôi đã ly hôn được 5 năm và đang một mình nuôi con. Sau những trục trặc của hôn nhân, khi con gái tôi (lúc ấy mới 4 tuổi) đã hỏi rằng - Mình có phải là 1 gia đình không mẹ? – tức là khi ấy, con đang có hình dung gia đình là 1 cái nhà, gia đình là phải có đầy đủ bố, mẹ, con…
Tôi đã phải dừng mất 5 giây vì thực sự lúc đó tôi bị choáng và nước mắt rơi, lúng túng không biết trả lời con thế nào. Rồi khi con đến trường, bạn bè, phụ huynh, thậm chí là ngay cả những thầy cô giáo cũng hay có những cái nhìn, cách đặt câu hỏi kiểu như: “Sao chỉ thấy mẹ đến đón?”, “Bố đâu?” “Con không có bố à?” “Bố đi đâu mà sao không bao giờ thấy đến đón?...”. Còn với hàng xóm, hay đặc biệt là mỗi lần đưa trẻ về quê, khi ông bà hỏi: “Mẹ mày sắp lấy chồng mới chưa? Mẹ mà lấy chồng thì mày chỉ có ra rìa! Hoặc "Bố có yêu không? Ông bà nội có còn thương con không, có còn mừng tuổi cho con không…?”… Tất cả những điều, con lại bị bối rối, mang về hỏi lại mẹ.
Đó là những câu hỏi khá buồn và gây cho tôi nhiều suy nghĩ. Những câu hỏi đó thực sự gây “mất an toàn” với cả mẹ và con, thường làm cho người mẹ cảm thấy chạnh lòng, đôi khi là khóc. Tôi biết, có nhiều chị em sau ly hôn không dám trở về vào những cuộc tụ tập của cả nhà nữa. Dù vẫn biết có những câu hỏi của mọi người xung quanh, nhiều khi họ hỏi chỉ là để hỏi thôi nhưng lại dễ dàng “tấn công” vào tâm lý của người phụ nữ và con trẻ”.
* Nghe chia sẻ của chị Yến:
Theo chị Yến: “Trong xã hội, vẫn còn quá nhiều người quan tâm đến “cấu trúc của gia đình” với quan niệm rằng một “gia đình” được gọi là đầy đủ, trọn vẹn tức là phải luôn có đầy đủ “bố - mẹ - con cái”. Việc người ta ly hôn, làm mẹ đơn thân, việc gia đình chỉ có bố và mẹ, gia đình chỉ có mẹ và các con, gia đình chỉ có bố mẹ mà không có con… thì sẽ bị cho là “không phải gia đình” hoặc giống như là bị khuyết thiếu. Vẫn còn quá nhiều người chưa hiểu được rằng - gia đình kiểu gì không quan trọng – điều quan trọng là ở đâu chúng ta cảm thấy hạnh phúc, được yêu thương, đặc biệt là ở đâu ta cảm thấy được an toàn thì đó là gia đình”.
Với chị Vũ Minh Họa (Đông Anh, Hà Nội) cũng đang một mình nuôi 2 con trai. Chị cho biết: “Tôi ly hôn đã 11 năm, khi ấy con lớn 7 tuổi, con bé 3 tuổi. Hành trình làm mẹ đơn thân đầy gian nan, cực kỳ khó khăn và nhiều nước mắt. Tôi đã mất 4 năm mới có thể vượt qua". Mới đây, khi chị Họa đã cho ra mắt cuốn tự truyện “Hành trình đơn thân”, ở đấy là nỗi đau của chị khi bị phụ tình, là những khó khăn mà chị phải trải qua. Chị vừa chật vật lo kiếm sống, lo cho hai đứa con còn thơ dại, vừa phải lo đối mặt với rất nhiều định kiến của xã hội…