Xoá bỏ định kiến giới trong giáo dục hướng nghiệp

06:00 | 02/09/2021;
Đó là quan điểm của nhiều phụ huynh mà PNVN ghi nhận được khi tiếp cận văn bản mới đây của một Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại Hà Nội gửi một số trường THPT về kế hoạch tổ chức học nghề năm học 2021-2022. Điều đáng nói của văn bản này là việc ghi rõ nghề gì “phù hợp với giới tính” nào. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy tính cấp thiết phải xoá bỏ định kiến giới trong giáo dục hướng nghiệp hiện nay.

Bài 1: "Nam sinh học cắm hoa, nữ sinh học nghề điện lạnh - Tại sao không?"

Trong văn bản nói trên, đơn vị giáo dục hướng nghiệp này có liệt kê danh sách các nghề mà họ tổ chức học nghề và thi nghề cho học sinh một số trường THPT. Điều đáng lưu tâm, bên cạnh danh mục nghề nghiệp là nội dung "giới tính phù hợp", trong đó ghi rõ nghề làm hoa, may công nghiệp, may dân dụng phù hợp với nữ; nghề điện lạnh, điện tử được nêu phù hợp với nam. Văn bản này khiến không ít phụ huynh cảm thấy bất ngờ. "Tôi chưa hiểu ý đồ của văn bản này là gì. Mặc dù có xu hướng ngành này nghề kia có đông nam giới hay nữ giới tham gia nhưng rõ ràng việc chọn nghề không phụ thuộc vào giới tính, mà đó là nguyện vọng cá nhân, là đam mê! Nam giới hoàn toàn có thể học cắm hoa, nấu ăn, trang điểm... Đưa những nội dung này vào là vẫn còn định kiến giới!", chị Phạm Thu Hằng (quận Ba Đình, Hà Nội) có con đang học THPT nêu quan điểm.

Xóa rào cản trong thế giới phẳng

Luật Bình đẳng giới đã khẳng định, nam, nữ bình đẳng trong việc chọn ngành, nghề học tập, đào tạo. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn nặng nề mặc định rằng, con gái chỉ hợp với nghề văn phòng, nhẹ nhàng bởi "phụ nữ làm những công việc đó mới có thời gian và sức khỏe phục vụ gia đình, chồng con". Còn con trai thì làm kỹ thuật, lắp máy. Những định kiến này chính là rào cản đối với những người muốn được tiếp cận các ngành nghề mà họ yêu thích.

Trong thế giới phẳng, vấn đề bình đẳng giới trong tiếp cận nghề nghiệp nhằm tạo cơ hội công bằng ngang nhau cho cả nam và nữ càng cần được coi trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít ngành nghề vẫn bị định kiến nặng nề. Đơn cử là khối ngành STEM (gồm Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tỷ lệ nữ tham gia ít hơn nhiều so với nam. Sự thiếu hụt nữ giới trong ngành STEM có thể làm sâu sắc thêm tình trạng bất bình đẳng giới. Nhiều nghiên cứu và thống kê chỉ ra rằng, nữ giới không hề thua kém về tư duy cũng như khả năng tiếp thu và xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực STEM. Thậm chí, ở các cấp học thấp, nữ sinh còn có kết quả học tập trong các môn STEM cao hơn so với bạn nam. Vì thế, việc "bỏ quên" nữ giới cũng tương tự như lãng phí một nửa nguồn nhân lực của nền kinh tế số.

Định kiến giới trong giáo dục hướng nghiệp, hay nói cách khác là việc "đóng khung" rằng ngành này chỉ phù hợp với nữ, ngành kia phù hợp với nam, vô hình trung trở thành rào cản cho thế hệ trẻ khi tiếp cận cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Thay vì lựa chọn theo sở thích, đam mê và năng khiếu, không ít học sinh có phần e dè, chạy theo số đông khi nghề mà mình yêu thích lại không nằm trong lựa chọn của số đông.

Chuyên gia xã hội học Nguyễn Thị Tuyết Minh (Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhìn nhận, lựa chọn nghề xuất phát từ yêu cầu công việc, năng lực trình độ, nhiều công việc không quy định giới tính. "Cái gọi là quy định này do định kiến giới nên tự mặc định đưa vào, rằng nghề này phù hợp với nam, nghề kia thích hợp với nữ. Hướng nghiệp cần gắn với phù hợp thực tế sức khỏe, năng lực của người tham gia ngành nghề, đó mới là yếu tố quyết định. Nếu không thực sự hiểu cặn kẽ, chính lỗi khái quát hóa khiến chúng ta bị rơi vào định kiến giới một cách tự nhiên nhất!", bà Nguyễn Thị Tuyết Minh phân tích.

Bài sau: Hãy chọn nghề bằng sở thích, đam mê

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn