"Nếu tôi là người truyền cảm hứng, điều đó có nghĩa là tôi không cần thêm sự giúp đỡ nào nữa sao? Điều này nhiều khi khiến tôi mệt mỏi, bởi nếu tôi mạnh mẽ đến vậy, liệu có phải tôi không thể bị tổn thương ư?", Teo chia sẻ.
Cô đã mất nhiều năm để đối mặt với tình trạng khiếm khuyết về thể chất của mình. "Tôi luôn cảm thấy xấu hổ về tình trạng khiếm khuyết của mình, có lẽ vì tôi lớn lên với những người nói với tôi rằng tôi là kẻ tội nghiệp. Có rất nhiều người quen của tôi không tin vào việc tôi có thể trở thành nghệ sĩ sân khấu", Teo nói.
Claire Teo từng bị loại khỏi nhiều buổi tập kịch vì tình trạng khuyết tật của mình. Peter Sau, chủ nhiệm bộ phận biểu diễn và phát triển tại ART:DIS, một trường nghệ thuật dành cho người khuyết tật tại Singapore, cho biết những người trong ngành sân khấu thường lúng túng khi gặp những người như Teo.
Ví dụ, tại các buổi thử vai, các diễn viên bình thường có thể cầm kịch bản và diễn những câu thoại ngay tại chỗ nhưng người khiếm thị như Teo sẽ cần kịch bản để học trước. Sau đó, họ sẽ nghĩ, nếu như buổi thử vai đã như thế này thì các buổi tập sau đó sẽ không khác gì.
Vì vậy, không có lý do gì để chọn một người có vấn đề như vậy. Peter Sau cho rằng, những người như Teo sẽ là kiểu người chuẩn bị kĩ càng nhất cho buổi diễn. Tuy nhiên, họ cần nhiều thời gian và một kế hoạch chuẩn bị kĩ lưỡng hơn và đương nhiên, cách vận hành sân khấu cũng cần có sự điều chỉnh.
Claire Teo và Peter Sau đang chuẩn bị ra mắt vở nhạc kịch dành cho người khuyết tật mang tên "Chachambo: Taking Flight" vào tháng tới. Cô là nhà viết kịch kiêm diễn viên chính, còn Sau là đạo diễn.
Trong vở kịch, Teo vào vai một ca sĩ trẻ khiếm thị đang cố gắng cứu một câu lạc bộ giải trí. Cô mô tả nhân vật của mình là một đứa trẻ hư chuyển mình thành một người lãnh đạo. Dàn diễn viên của vở kịch bao gồm 90 nghệ sĩ khuyết tật thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó 11 người mắc chứng tự kỷ, hội chứng Down và loạn dưỡng cơ.
Teo và Sau đã đưa ra nhiều cách thức để giúp các nghệ sĩ luyện tập. Ví dụ, những người khiếm thị như Teo sẽ ghi nhớ tiếng bước nhân, tín hiệu âm thanh và được hướng dẫn bởi một diễn viên có đôi mắt sáng để di chuyển quanh sân khấu.
Bên cạnh đó, bạn diễn của Teo, một vũ công khiếm thính, sẽ dựa vào khả năng đọc khẩu hình và hình ảnh để truyền tải lời thoại.
"Làm việc với người khuyết tật có thể mất nhiều thời gian và nguồn lực hơn nhưng cũng thu về được nhiều điều hơn. Đó là do bạn sẽ học được nhiều hơn từ những góc nhìn mới và tác phẩm bạn tạo ra cũng sẽ đa chiều hơn, nhiều tầng ý nghĩa hơn.
Thị lực của tôi, khiếm khuyết của tôi đã cho tôi cơ hội, kiến thức để mang lại nhiều ý nghĩa nhân văn cho công việc tôi đang làm", Teo tâm sự.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn