Tham dự hội thi có 8 đội đến từ các trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Giang. Các đội thi trải qua 3 phần thi gồm: Chào hỏi; thuyết trình của tuyên truyền viên; tiểu phẩm tuyên truyền.
Tại hội thi, các đội đã mang đến cho khán giả những phần thi hấp dẫn, đặc sắc bằng hình thức sân khấu hóa. Thông qua đây, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh giai đoạn 2021 – 2025 gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Kết thúc hội thi, BTC đã trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba, 4 giải Khuyến khích và 3 giải phụ cho các đội tham gia hội thi.
Việc tuyên truyền "Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh" được ngành giáo dục Hà Giang xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Được biết, Hội thi được tổ chức rộng rãi ở các trường học trên địa bàn, nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo đó, Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy về thực hiện bài trừ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đời sống các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27) đã chỉ rõ: Ngành Giáo dục chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy biên soạn tài liệu tuyên truyền để giảng dạy trong các cấp học, từng bước thay đổi nhận thức cho thế hệ trẻ, coi đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định đến việc thực hiện thành công Nghị quyết.
Thực hiện Nghị quyết 27, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai các kế hoạch, giải pháp, như: Thành lập Ban Chỉ đạo; xây dựng, hoàn chỉnh bộ tài liệu tuyên truyền về hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từ bậc mầm non tới THPT; phát động tổ chức Hội thi tìm hiểu về xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong các cấp học; lồng ghép, đưa nội dung của nghị quyết vào giảng dạy, trong các buổi học ngoại khóa…
Nhận thức tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với bản thân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, dân tộc và thường xảy đến ở lứa tuổi học sinh cấp THCS và THPT. Do đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các mô hình, như: Trường học không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; lồng ghép tuyên truyền tại các buổi học ngoại khoá, sinh hoạt đầu tuần; xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm học, từng giai đoạn; tổ chức các Hội thi tìm hiểu về Nghị quyết 27… tạo sức hút, hình thành lối sống mới cho các em học sinh.
Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ các hủ tục trong đời sống nhân dân. Đặc biệt, chú trọng xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân tộc thiểu số vùng biên giới. Giúp đồng bào nâng cao nhận thức về bài trừ những phong tục, tập quán cổ hủ trong ma chay, cưới hỏi. Người dân biên giới đã đổi mới theo chiều hướng tích cực, đời sống tinh thần ngày càng đi lên, chuyên tâm vào lao động sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn