Vợ chồng chị Quốc Khánh (35 tuổi, quê Hải Dương) từ nhiều năm nay lên Hà Nội thuê trọ và mở quán bán bún ốc. Căn nhà 2 tầng được chị thuê ở phố Kim Hoa (quận Đống Đa, Hà Nội) tầng 1 để bán hàng, tầng 2 là không gian sinh hoạt của vợ chồng, con cái. "Hai vợ chồng cùng bán bún ốc ở quán vào buổi sáng. Đến khoảng10h, tôi để chồng bán tiếp rồi thu dọn quán, tôi sẽ đẩy xe bán bún rong sang khu Kim Liên, cách đây chừng 1km, nơi có nhiều văn phòng, công sở để bán bún vào giờ trưa cho các nhân viên văn phòng" - chị Khánh kể lại công việc mưu sinh hàng ngày của gia đình mình.
Từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, hàng ăn phải đóng cửa nên vợ chồng chị Khánh đâm ra thất nghiệp. "Cứ đà này thì chỉ thêm vài tháng nữa thôi, vợ chồng con cái chúng tôi có khi phải về quê sinh sống mất" - chị Khánh chia sẻ.
Chị kể, chị nhập học cho con gái lớn ở Hà Nội. Còn bé trai út mới 2 tuổi, dự định cho đi học mầm non ở trên này nhưng vì dịch Covid-19 nên vẫn ở nhà, quanh quẩn bên cạnh bố mẹ bán hàng.
"Giờ cả gia đình phải về quê thì tôi chỉ thương cho bé lớn. Con bé học giỏi lắm nên đó cũng là động lực để vợ chồng tôi bám trụ Thủ đô, cốt để con cái được học bằng bạn bằng bè" – chị Khánh chia sẻ.
"Cái khó ló cái khôn", vợ chồng chị Khánh rồi cũng xoay chuyển được cuộc sống khi quyết định chuyển qua bán thực phẩm trong những ngày giãn cách này. Nào là rau, thịt, gạo, trứng gia cầm... "Chúng tôi cứ túc tắc bán, thôi thì cũng đủ tiền nhà với sinh hoạt phí. Từ ngày mở bán thịt lợn, hai vợ chồng phải đi chợ đầu mối từ đêm để lấy hàng, khoá cửa để hai con ngủ trong nhà một mình, dặn đứa chị trông thằng em. Cũng lo lắm đấy nhưng biết làm sao được! Giữa mùa dịch thế này, có đồng ra đồng vào là may lắm rồi" - chị Khánh than thở về cuộc sống rất bấp bênh hiện tại của gia đình chị.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hà, chủ một quán phở, nằm trên đường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, gần nửa tháng nay, gia đình chị đã chuyển đổi đầu tư từ quán ăn qua bán rau củ quả để giảm thiểu thiệt hại kinh doanh trong mùa dịch.
Trước đây bán phở, chị Hà đã quen với các mối giao hàng, lại chuẩn bị hàng từ ngày hôm trước nên sáng ra, 5h30 chị mới mở cửa chuẩn bị bán hàng. Thì nay, khi chuyển qua bán rau củ quả, hàng ngày, cứ từ 12h đêm đến 5h sáng, chị phải tất tả đi gom đủ hàng để về bán, rất vất vả. Ngoài ra, để giảm thiểu gánh nặng thuê cửa hàng, chị để dành một nửa cửa hàng để bán rau củ, nửa còn lại, chị cho một hàng thịt lợn thuê địa điểm để cùng gánh vác tiền thuê mặt bằng.
Chị Hà cho biết, tiền bán rau củ quả hàng ngày cũng chỉ đủ tiền để chị trang trải tiền sinh hoạt phí và hỗ trợ tiền thuê mặt bằng, còn chị phải bù lỗ khá nhiều. 2 nhân viên phụ chị bán phở hàng ngày, thì giờ đều được chị hỗ trợ trả 50% lương.
"Tôi sẽ bán rau củ quả đến khi nào hàng quán được phép mở lại thì sẽ tiếp tục bán phở. Mong lắm đến ngày ấy, còn giờ thì cố gắng vượt qua mỗi ngày thôi", chị Hà nói.
Còn chị Phan Thị Hoàn (37 tuổi) những ngày này cũng phải tạm dừng cửa hàng áo dài của mình trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Chị Hoàn vừa trải qua cú sốc khi chồng chị qua đời vì bệnh K, để lại hai cô con gái nhỏ cho chị. Quê ở tận Quảng Nam nên những ngày qua, chị Hoàn không thể nhờ vả được họ hàng, người thân, đành phải gồng gánh, xoay xở nuôi con.
Thấy người dân chỉ lo đi mua thực phẩm nên chị Hoàn đã nảy ra ý tưởng và quyết định bán hoa quả... "Đầu tiên, tôi phải tìm các mối hoa quả. Chợ đầu mối đóng cửa, tôi phải đi khắp các mối để lấy hàng tận gốc mới có thể về bán giá rẻ cho bà con. Tiếp đó, tôi phải học cách bảo quản hàng. Ngày đầu chuyển sang bán hoa quả, tôi không biết cách bảo quản bơ nên làm hỏng cả thùng hàng, cũng mất cả triệu đồng" - chị Hoàn cho hay. Theo chị Hoàn, có lẽ những ngày sắp tới đây, chị phải chuyển hẳn qua bán hoa quả để duy trì cuộc sống, chứ dịch dã thế này, kể cả cửa hàng áo dài của chị được mở cửa trở lại thì người dân cũng ít có nhu cầu sắm sửa áo dài. Chị đành khép lại những mẫu thiết kế còn đang dang dở của mình để xoay vần với cuộc mưu sinh trước.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn