Xóm chạy thận ấm tình người ở ven đô

19:25 | 16/09/2019;
Xóm chạy thận trong con ngõ nhỏ thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Câu chuyện của những bệnh nhân xác định cả một đời gắn bó với căn bệnh mạn tính này không chỉ là chuỗi những ngày buồn mà còn đầy ấm áp, nhân văn…

“Chồng bỏ đến với người khác khi biết tôi bị bệnh” 

Dù mặt trời đã đứng bóng nhưng mọi người trong xóm nhỏ ấy vẫn chưa về hết, có người vào bệnh viện chạy thận, có người lại mưu sinh bằng buôn bán vặt, người đi nhặt ve chai, đánh giày… Chị Nguyễn Thị Thuý, sinh năm 1980, quê Văn Giang, Hưng Yên, trông già hơn so với tuổi. Hai cẳng tay Thúy nổi lên những u, cục. Di chứng của căn bệnh mãn tính sau nhiều lần tiêm, truyền.

 

nh-2.JPG
Chị Nguyễn Thị Thuý tâm sự về những vất vả mà mình đang đối mặt

 

Bệnh tật là thế, vất vả là vậy nhưng chị vẫn vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Với thâm niên 15 năm gắn bó với xóm chạy thận và cũng chừng ấy năm, chị xem xóm nhỏ này là ngôi nhà thứ hai của mình. Chia sẻ về gia đình, chị nén tiếng thở dài, chậm rãi nói: “Trước đây, tôi cũng có một gia đình hạnh phúc. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, chồng thương yêu vợ con. Nhưng khi tôi 24 tuổi, căn bệnh suy thận đã làm suy kiệt sức khoẻ, cơ thể xấu xí hơn và tình cảm vợ chồng phai nhạt. Chồng tôi đi tìm hạnh phúc mới với người phụ nữ làng bên, bỏ tôi và đứa con nhỏ dại trong tình cảnh tuyệt vọng...".

 

Cuộc sống của chị Thúy sau những ngày ấy là chuỗi ngày buồn đau. Hai mẹ con lại về nương tựa vào nhà ngoại. Chị nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ, một mình khăn gói lên Hà Nội để chữa bệnh. Suốt thời gian dài đêm nằm chị không ngủ được vì nhớ con, thương thân phận mình côi cút nơi đất khách quê người. “Nhiều lúc tôi cũng nghĩ quẩn, muốn chấm dứt cuộc sống nhưng hình ảnh đứa con nhỏ dại khóc ngặt đòi mẹ mỗi lúc ghé về nhà, hình ảnh bố mẹ già sức yếu phải gò lưng nuôi cháu, nuôi con bệnh tật mà tôi không nỡ. Những điều đó cho tôi thêm sự can trường, nghị lực để đối diện với thực tại bệnh tật” - chị Thúy trải lòng.

 

Dù cuộc sống nơi "căn nhà thứ hai" này còn nhiều vất vả, khó khăn nhưng bù lại mọi người ở đây rất tốt, thương nhau, xem nhau như anh em một nhà, có việc gì, mọi người chung vai giúp đỡ. "Chúng tôi ở đây được an ủi phần nào khi có sự giúp đỡ của bác Trà (chủ nhà trọ). Biết hoàn cảnh của mọi người trong xóm trọ khó khăn, bệnh tật, bác Trà thường qua lại động viên tinh thần. Bác còn giảm giá nhà cho những bệnh nhân chạy thận" - chị Thuý chia sẻ thêm.

 

Tình yêu đơm hoa 

Mọi người ở xóm chạy thận ai cũng mừng cho hạnh phúc của đôi trẻ, họ cũng chúc phúc cho tình yêu chú cháu buổi ban đầu nay có kết đẹp. Chị Nguyễn Thị Liên (23 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) sống trong xóm chạy thận này có hoàn cảnh khá đặc biệt. Cả 2 mẹ con Liên đều là thành viên của xóm chạy thận. Ngày phát hiện mình cũng bị căn bệnh suy thận giống mẹ, Liên hoang mang, không biết cuộc đời của mình rồi sẽ ra sao. Mọi dự định cho tương lai dường như đóng sập trước mắt Liên. "Mẹ em bị suy thận và chạy thận ở bệnh viện, gia cảnh đã túng thiếu lắm rồi, giờ lại đến lượt mình mang căn bệnh tai quái. Rồi tới đây, gánh nặng cơm áo gạo tiền, phụ giúp hai người bệnh, nuôi 2 đứa em còn nhỏ lại đè nặng lên vai gầy của bố. Nghĩ đến hoàn cảnh đó em chỉ khóc, khóc thương cho thân phận mình, cho nỗi đau mà gia đình mình phải gánh chịu" - Liên nói về hoàn cảnh của mình.

 

nh-3.JPG
Vợ chồng Liên và Khương với bữa ăn đạm bạc

Càng trò chuyện với Liên, tôi bị chinh phục bởi tính cách hồn nhiên, hóm hỉnh của cô gái hay nói, hay cười. Liên cũng kể cho tôi nghe về câu chuyện tình yêu của mình với anh Lê Minh Khương, 31 tuổi (Kim Bảng, Hà Nam), người ngụ cư cùng xóm chạy thận đã hơn 5 năm nay.

"Những ngày đầu gia nhập xóm chạy thận, em buồn lắm, cứ hết ca chạy thận lại về vùi mình vào căn phòng trọ, em cũng không hứng khởi với những câu chuyện xung quanh mình, một mình gặm nhấm nỗi niềm riêng. Anh Khương có lẽ là người kéo em ra khỏi những bi luỵ, buồn đau, vực dậy tinh thần đang rệu rã trong em” – Liên cho biết.

Theo Liên kể, ban đầu Khương xưng hô chú, cháu, và dần dần tình cảm hai người dành cho nhau ngày lại mặn nồng hơn. Họ thay đổi cách xưng hô sang anh – em. Rồi tình yêu của Liên và Khương được mọi người vun vào và đặc biệt là bố mẹ hai bên cũng ủng hộ dù họ biết cuộc sống phía trước của hai con còn nhiều khó khăn, vất vả.

Hiện tại, Liên và Khương đã có một không gian hạnh phúc của riêng mình, tổ ấm của hai người là căn phòng trọ 12m vuông tuy nhỏ nhưng ấm cúng. Liên cũng xin được việc làm tại một công ty may mặc còn Khương những lúc không phải vào bệnh viện chạy thận thì lại rong ruổi đi đánh giày làm kế sinh nhai.

 

nh-1.JPG
Những ngôi nhà trong xóm chạy thận
 

Cả xóm chạy thận có 14 người với hơn chục phòng trọ là cũng từng ấy hoàn cảnh. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau nhưng sống với nhau tình nghĩa, tối lửa tắt đèn có nhau. Họ chia nhau từ mớ rau, con cá hay những đặc sản quê hương mà một người trong xóm vừa mang lên. Tối tối, họ lại quây quần bên nhau, hỏi han nhau về gia đình, con cái, bàn với nhau những dự định của tương lai hoặc đơn giản chỉ là cùng nhau thưởng thức một chén trà…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn