'Xóm không ngủ' đi bán vận may

08:17 | 22/09/2016;
Ở Sài Gòn có 1 nơi gọi là Xóm vé số Phú Yên với những gia đình nhiều thế hệ cùng làm nghề bán vé số. Ở đây, đêm qua rất nhanh, còn ngày dường như dài hơn khi những cư dân hầu như đều phải “đi làm” từ sáng sớm và chỉ trở về nhà lúc đã nửa đêm.

Mỗi ngày cuốc bộ vài chục cây số

Đang ngồi ở quán nước vỉa hè nghĩ chuyện vẩn vơ, tôi bỗng giật mình khi có tiếng người mời mua vé số - giọng ngọng nghịu như đứa trẻ mới tập nói. Ngoảnh nhìn lại, hóa ra là một cô gái độ tuổi đôi mươi, vẻ mặt ngơ ngác. Cô đi cùng “bạn đồng hành” là một phụ nữ đứng tuổi, có vẻ thông thạo và lanh lợi hơn. Chị cho biết, “cô bé” này bị bại não nhẹ, vì nhà nghèo quá nên phải vào Sài Gòn bán vé số phụ giúp gia đình. Hỏi chị quê quán ở đâu, chị nói “ở Phú Yên”.

Tôi chợt nhớ ra một điều, rằng mấy tháng gần đây sao gặp nhiều người Phú Yên đi bán vé số vậy? Hỏi chị chuyện này, chị bảo: “Ngoài quê nghèo khó, chẳng biết làm gì để sống, nghe người ta kháo nhau, vô Sài Gòn bán vé số có đồng hương bảo bọc. Mới nghĩ, ở nơi đất khách quê người mà có nơi nương tựa thì tốt quá. Vậy là nhiều người lũ lượt kéo vô”. Trước khi tiếp tục rảo bước, chị bảo: “Tụi tôi đều ở trong hẻm 214 Nguyễn Trãi”.

1_ps_anh-chinh.JPG
Những tấm vé số là nguồn mưu sinh của cư dân trong xóm

Nhiều người gọi con hẻm 214 Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM) bằng cái tên “xóm không ngủ”. Bởi ở đây, đêm qua rất nhanh, còn ngày dường như dài hơn, khi những cư dân hầu như đều phải “đi làm” từ sáng sớm và chỉ trở về nhà lúc đã nửa đêm. Xóm trọ có khoảng 400 người, với gần 10 đại lý vé số. Mỗi đại lý đồng thời là 1 căn nhà trọ, gốc gác đều ở Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và một số người tận Nam Định vô. Trong số đó có nhiều người già, người khuyết tật.

Trong “cộng đồng” người tha hương ấy, chiếm số đông là người quê Phú Yên. Cuộc “tiểu di cư” của những người nghèo vùng quê này bắt nguồn từ sự hiện diện của 2 đại lý chuyên phân phối vé số của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Phú Yên, do 2 gia đình dân Phú Yên nhập cư mở ra để mưu sinh trên đất Sài Gòn từ cách đây mười mấy năm. Ban đầu, họ “rủ” một số bà con chòm xóm ngoài quê vô sống trong nhà để hỗ trợ chuyện làm ăn. Về sau, khi số người từ ngoài quê vô lên đến vài chục, nhiều người trong số họ thuê những căn nhà hoặc phòng trọ trong con hẻm này sinh sống lâu dài.

2_ps.JPG
Ông Lương Vĩnh An - người “khai sinh” ra xóm vé số và cháu ngoại

Bà Võ Thị Hương, một “cư dân” trong hẻm, kể: “Một ngày làm việc của những người bán vé số ở đây bắt đầu từ khoảng 4 giờ chiều, khi các đại lý bắt đầu mở bán vé số của ngày hôm sau, nên mọi người đổ về lấy vé số rất đông. Đó cũng là dịp duy nhất trong ngày, những người đồng hương ở đây có dịp “hội ngộ”. Sau những câu chuyện ngắn ngủi, họ nhanh chóng tỏa ra khắp các cung đường, ngõ ngách của thành phố để đi bán. Ai cũng mong lấy vé số thật sớm để đi bán cho kịp hết trước giờ có kết quả xổ số vào chiều hôm sau. Vì vậy, họ đi đến tối mịt mới quay trở về nhà trọ nghỉ ngơi, sáng sớm hôm sau lại thức dậy từ tờ mờ đất, tiếp tục rảo bước khắp các nẻo đường…”.

Bà Nguyễn Thị Sâm (70 tuổi, quê Phú Yên) cho biết: “Mỗi ngày, một người có thể đi bộ tới vài ba chục cây số để bán vé số là chuyện thường. Đội nắng chang chang ngoài đường đã mệt, đội mưa còn mệt và khổ hơn. Nhất là hôm nào mưa to thì coi như chẳng bán được gì!”. 

Chia nhau chút hơi ấm quê hương

Nghề bán vé số vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, thế nên những người sống trong xóm nghèo này luôn phải tiết kiệm tối đa mọi khoản chi phí. Những người đồng hương thường thuê chung một căn phòng trọ, sống chen chúc trong đó. Những căn phòng diện tích chưa đến 20m2 và một gác lửng mà đã có trên dưới 20 người của 4-5 gia đình cùng sinh sống.

Thế nhưng, chúng tôi đã gặp ở đây nhiều câu chuyện cảm động được viết nên bởi những người con xa xứ. Chị Đỗ Thị Ngọc Trai cùng chồng vào Sài Gòn lập nghiệp từ gần 13 năm trước, may mắn dành dụm được ít tiền, quyết định mở đại lý vé số. Ngay sau đó, vợ chồng chị kêu những người bán vé số cùng quê về sống chung, không lấy tiền nhà. Việc nấu nướng một tay chị lo liệu, mọi người chỉ phụ 10.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Nghĩa cử này không chỉ khiến vợ chồng chị “kéo” được nhiều người về cùng làm với mình, mà còn giúp một số người vượt qua cơn bĩ cực. Như trường hợp của bà Võ Thị Hương, nay đã 77 tuổi, hồi mới vào bị lừa lấy hết 2 triệu tiền mặt và vé số, suốt mấy tháng sau đó phải làm trả nợ. “Cũng may là ở đây không tốn tiền ăn, tiền nhà, nếu không thì tôi không biết xoay xở ra sao”, bà Hương xúc động kể.


Trong câu chuyện với mọi người, cái tên Nguyễn Tấn Quang được nhắc tới nhiều lần. Anh Quang (quê huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bị mất cả 2 cánh tay, được cư dân xóm gọi là “anh Hai”, là một trong số những người đầu tiên hành nghề bán vé số và đã sống khoảng chục năm nay ở đây. Cư dân nể trọng anh Quang vì anh luôn hết lòng với mọi người. Anh bộc bạch: “Cuộc sống nơi thị thành đầy rẫy cám dỗ, anh em còn trẻ chưa ý thức được những việc mình làm cũng như không đủ tỉnh táo để xử trí những điều xảy ra với họ. Tôi từng bị người xấu lợi dụng làm chuyện phi pháp, sợ lắm, nên có gì mình biết thì chia sẻ với mọi người, để đừng có ai bị “dính” vào những chuyện không hay. Cư dân ở đây tuy nghèo, có người khiếm khuyết thân thể nhưng cái tình thì bao la!”.

3_ps.jpg
Hóa trang thành Thần Tài đi mang vận may đến cho mọi người

Xóm vé số Phú Yên có những gia đình nhiều thế hệ cùng làm nghề bán vé số. Cái nghèo nối tiếp cái nghèo, tưởng như không có lối thoát. Thế nhưng, một trong những “đặc tính” của người miền Trung là hiếu học. Cái sự hiếu học ấy len lỏi đến tận cùng ngõ hẻm nghèo nơi này. Căn nhà cuối hẻm 214/C42 là nơi cư ngụ của khoảng 30 người, cả chủ nhà và khách trọ đều tự hào “nhà trọ có tới 6 sinh viên là con em người bán vé số”.

Bác Bảy Tổ (quê huyện Tây Hòa) tâm sự: “Tôi có 6 đứa con, ở nhà làm ruộng không đủ ăn nên tôi vào đây 3 năm nay nuôi đứa út trên 17 tuổi đang học nghề kế toán”. Ở đây, mọi người còn truyền tai nhau câu chuyện về ông Ba Lân (64 tuổi, huyện Đông Hòa) đi bán vé số nuôi 3 đứa con ăn học, giờ có đứa đã đi làm, có đứa sắp tốt nghiệp đại học. Cô Nguyễn Thị Thúy (quê Đông Hòa, Phú Yên) có con gái lớn là Trần Thị Hồng Diệp vừa thi đỗ trường ĐH Sư phạm TPHCM. Hay vợ chồng ông Lương Vĩnh An, 1 trong 2 người “khai sinh” ra “xóm vé số” này, có 2 con từng đi bán vé số, giờ 1 người là thạc sĩ, 1 người là tiến sĩ...

4_ps.jpg

Với những người bán vé số nghèo, ước mơ bình dị nhất của họ là mong ngày nào cũng bán được hết vé số để có tiền gửi về quê nhà. Song, họ còn nuôi trong lòng niềm mong ước lớn hơn, đó là sẽ có ngày được trở về quê hương để tận hưởng cuộc sống bình yên, no đủ từ những đồng tiền chắt chiu hôm nay. Dẫu điều ước đó còn quá xa xôi…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn