Trong phòng, 3 chiếc quạt máy đang chạy hết công suất nhưng vẫn không thể nào khiến những người thuê trọ ở đây có được giấc ngủ ngon vì quá nóng. Cách đây hơn 1 năm, bà Dứt được chẩn đoán bị ung thư ruột và phẫu thuật sau đó. Hiện bà vẫn phải đều đặn đến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 để tiếp tục điều trị.
Những lần "vô thuốc" khiến mái tóc của bà thưa dần. Trong đợt điều trị này, những ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng dường như khiến cho bà bận tâm hơn. Những giấc ngủ chập chờn và cả những bữa cơm bỏ dở khiến cơ thể bà thêm bứt rứt, khó chịu.
"Tôi thuê giường ở đây với giá 50.000 đồng/ngày. Ở đây, buổi tối cũng như ban ngày, không tài nào có giấc ngủ ngon vì thời tiết quá nắng nóng. Cũng phải chấp nhận thôi bởi mình phải tằn tiện để có tiền điều trị bệnh", bà Dứt chia sẻ.
Cách phòng trọ của bà Dứt không xa là khu dãy trọ gồm 6 phòng, mỗi phòng rộng chừng 4m2 dành cho khách thuê là những bệnh nhân ung thư và người nhà của họ. Đang giữa trưa, ông Võ Minh Ba (60 tuổi, quê Quảng Ngãi) không tài nào ngồi được trong căn phòng trọ chật hẹp được thuê với giá 100.000 đồng/ngày, mà phải đưa chiếc ghế nhựa ra đầu hiên nhà ngồi.
Thi thoảng, ông lại lấy chậu nước dội thẳng xuống nền xi măng khô khốc trước hiên nhà để làm vơi đi cái nóng. Nhiệt độ ngoài trời lúc này đo được là hơn 40 độ C. Ngồi cạnh ông, bà Phạm Thị Ảnh, vợ ông, thi thoảng lại lấy tay lau những giọt mồ hôi trên trán.
"Chồng tôi bị ung thư thực quản. Tôi vào đây để chăm sóc ông ấy. Đến tôi cũng muốn đổ bệnh vì nắng nóng thì ông ấy đang mang bệnh trong người làm sao chịu nổi. Thương chồng nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn thì mình biết làm sao?", bà Ảnh rưng rưng nói.
Ông Ba chia sẻ, thời gian trước, do bệnh tật mà ông không thể ăn uống được. Đến nay, sau khi phẫu thuật và trải qua nhiều lần xạ trị, hóa trị thì sức khỏe của ông đã tốt hơn. Tuy nhiên, những ngày này, thời tiết nắng nóng khiến đầu óc ông quay cuồng mỗi lần "vô thuốc".
"Phòng nhỏ nên nóng hầm hập, ngồi xuống giường là thấy nóng ran. Không chỉ ban ngày mà tối cũng rất khó ngủ. Buổi tối, tôi với các bệnh nhân khác thường ra ngoài ngồi trò chuyện để tránh nóng; phải 1-2 giờ sáng mới dám vào phòng", ông Ba tâm sự.
Không chỉ có bệnh nhân lớn tuổi, những căn phòng trọ bình dân được cho thuê với giá 50.000-100.000 đồng/ngày, hay những phòng trọ miễn phí gần Bệnh viên Ung bướu cơ sở 2 còn là nơi ở của nhiều "chiến binh K nhí".
Tại một khu trọ trên đường 225A (phường Tân Phú, TP Thủ Đức), thời tiết nắng nóng khiến bé Kiều Oanh (11 tuổi, quê Quảng Nam) không tài nào ngủ được. Khu trọ mà cháu Oanh đang ở là những căn phòng nhỏ, nằm san sát nhau. Diện tích căn phòng chỉ vừa đủ để kê một chiếc giường cùng chiếc tủ để đồ lặt vặt.
"Cháu bị u não, giờ bị liệt nửa người rồi", anh Nguyễn Đức Linh (39 tuổi), cha của Oanh, nghẹn giọng nhìn con gái. Đầu của Kiều Oanh không còn một sợi tóc sau những lần "vô thuốc". Anh Linh kể, một buổi chiều cách đây 5 năm, khi chuẩn bị đi học thì Oanh than đau đầu.
Thấy con gái kêu đau bất thường, anh liền đưa con đến bệnh viện địa phương thăm khám, sau đó bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). Tại đây, bé được chẩn đoán bị xuất huyết não và được điều trị.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên việc điều trị bị gián đoạn. Sau đó, khi đi thăm khám lại thì bé được phát hiện bị u não. Hành trình chiến đấu với căn bệnh quái ác của Oanh cũng bắt đầu từ đó.
Oanh càng lớn, bệnh ngày càng nặng nên cả anh Linh và vợ đều phải vào TPHCM để chăm sóc con. Người con trai đầu của vợ chồng anh Linh năm nay 14 tuổi, được gửi về cho bà ngoại ở quê chăm sóc. Hiện nay, để có tiền điều trị cho con, anh Linh phải đi làm thuê sửa điện gia dụng nhưng công việc lúc có, lúc không.
Còn vợ anh thì lấy thực phẩm ở quê, khi là mớ rau, lúc là con gà hay chai mật ong để bán lấy chút tiền. "Mấy bữa nay, trời nắng quá. Nhưng vì trong phòng nóng quá nên con phải ra ngoài chơi. Tôi thương con đã bệnh mà còn không được giấc ngủ ngon", anh Linh chia sẻ.
Sự khắc nghiệp của thời tiết những ngày qua đã khiến cho hành trình chữa bệnh của những "chiến binh K" trở nên gian nan, khó khăn hơn.
Nhưng cũng tại những xóm trọ này, chúng tôi cảm nhận được sự chia sẻ của những bệnh nhân dành cho nhau, sự xúc động của những bệnh nhân, thân nhân của họ khi nhận được những suất ăn miễn phí, những phần quà từ thiện được trao tận tay. Những việc làm nhân văn đó đã phần nào tiếp thêm đồng lực cho các bệnh nhân tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn