Xót xa cảnh cậu bé 8 tuổi chăm sóc mẹ bị tai nạn giao thông

20:23 | 31/08/2018;
Vụ tai nạn giao thông khiến chị Đỗ Thị Kim Quy (SN 1983) rơi vào tình trạng nguy kịch, bác sĩ chẩn đoán chỉ còn 2% cơ hội sống sót. Sau 7 lần đại phẫu và hơn 1 năm chạy chữa khắp các bệnh viện, chị vượt qua được “cửa tử” nhưng lại đối mặt với thực tế phũ phàng: Chồng ruồng bỏ, để lại 2 con thơ và khoản nợ khổng lồ.

"98% là chết rồi"

Những ngày cuối tháng 8, trong căn nhà của bố mẹ đẻ là ông Đỗ Tiến Thành (SN 1958) và bà Cao Thị Quốc (SN 1962) ở thôn Văn Cống, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam), chị Quy cố nén cơn đau, gượng chống tay ngồi dậy đón khách. Thấy mẹ nhăn nhó, xuýt xoa, bé Nguyễn Trường An (SN 2010) vội chạy đến, hai tay liên tục xoa nắn, hỏi han mẹ. Em gái của An là bé Nguyễn Thị Tường Vi (SN 2014) cũng sà đến, bắt chước anh nắn chân cho mẹ.

a1.jpg
8 tuổi, cậu bé Nguyễn Trường An đã nhiều ngày tháng chăm sóc mẹ bị tai nạn giao thông ở bệnh viện 

 

Mỉm cười xoa đầu 2 con, chị Quy bảo, bọn trẻ chính là động lực để chị cố gắng sống. “Sau tai nạn, tôi hôn mê 15 ngày mới tỉnh. Tỉnh dậy thấy cơ thể mình nát nhừ, vỡ vụn, bất động, tôi gào thét hỏi bố sao không để tôi chết đi. Bố lặng im một lát rồi bảo: “Bố đã vay mượn chồng chất, đưa con chạy khắp từ bệnh viện tỉnh đến trung ương để cứu con, để các con của con còn có mẹ. Giờ con muốn chết thì tự đứng dậy mà tìm cách chết”.

Chị Quy không thể đứng dậy nên cứ nằm im mà ứa nước mắt khi thấy cha già và cậu con trai nhỏ luân phiên túc trực, chăm sóc chị trên giường bệnh. Ý định muốn chết từ đó tiêu tan dần, chị nỗ lực điều trị, cố gắng từng ngày để phục hồi.

Chị Quy vẫn nhớ, hôm xảy ra tai nạn là ngày 26/12/2016. Trên đường đi làm sáng, chị rẽ vào ven đường mua ổ bánh mì. Khi chị đang ngồi trên xe máy dựng sát lề đường đợi lấy bánh mì thì một chiếc xe tải tránh chiếc xe đi ngược chiều, mất lái lao thẳng vào chị. Chị ngã đập người xuống đường, bị bánh xe tải nghiền nát qua vùng bụng, chân, khiến xương đùi, xương chậu, xương sống đều vỡ nát, toàn thân đa chấn thương.

Nhận được tin báo, ông Thành hối hả chạy vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và ngã quị khi bác sĩ thông báo, 98% là con chết. “Tôi vẫn mong, còn nước còn tát nên xin cho con chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Trên đường từ Hà Nam lên Bệnh viện Việt Đức chỉ hơn 60km mà con phải truyền 8 chai máu, máu cứ truyền từ các bịch vào người thì lại chảy ào từ các vết thương ra. Hơn 12h trưa, Quy được đưa vào phòng mổ nhưng do mất máu quá nhiều, chị ngất xỉu, nên lại phải chuyển ra phòng hồi sức, cấp cứu, mãi đến 7h tối mới đưa trở lại phòng mổ. Ca mổ của Quy kéo dài đến 2h30 sáng hôm sau, mà cũng mới chỉ là nối các mạch máu, giữ ổn định các bộ phận nội tạng. Mãi khi Quy tỉnh lại sau đợt hôn mê, bác sĩ mới tiến hành mổ nối xương, sau đó Quy được chuyển qua Bệnh viện Đại học Y vá da, rồi lại quay về Bệnh viện Việt Đức mổ, sang Viện Bỏng điều trị", ông Thành nhớ lại.

Sau vài tháng nằm viện, chị Quy mới lật nghiêng được người, rồi vài tháng sau nữa mới ngồi được. Đến giờ, chị mới chập chững dựa vào cây nạng gỗ tập đi. “Nhìn bố không nề hà bất cứ việc gì để lo cho tôi, đã đau lòng rồi. Bé Thành mới 8 tuổi đã phải thay ca cho ông để chăm mẹ, cũng nâng mẹ dậy, lau rửa vệ sinh cho mẹ, mua đồ ăn, đút cho mẹ ăn, ai nhìn thằng bé chăm mẹ cũng phải đau lòng”, chị Quy nghẹn ngào.

Nợ nần chồng chất

Ông Thành - bà Quốc có 3 người con, chị Quy là con cả. Tốt nghiệp đại học, chị đi làm kế toán cho một công ty Hàn Quốc ở KCN Châu Sơn, rồi lấy chồng cũng tốt nghiệp đại học, ông bà mừng lắm. Vợ chồng chị Quy sinh được 2 con, 1 trai 1 gái, bé nào cũng xinh xắn, đáng yêu; rồi chồng chị Quy ngày càng thành đạt, lên chức Giám đốc. Song, chồng chị Quy thay lòng đổi dạ, ruồng bỏ vợ con. Chị Quy đành tay trắng rời khỏi nhà chồng, đưa 2 con thơ về nhà ngoại nương tựa.

“Thời điểm Quy nhập viện, bác sĩ yêu cầu người thân ký cam kết để mổ, chồng Quy nhất mực không đến ký, không chăm nom, lo viện phí cho vợ, cũng chẳng lo chút gì cho 2 đứa con. Trong khi chúng tôi vay mượn chồng chất, đưa con đi khắp nơi để cứu chữa thì chồng Quy ở nhà đâm đơn ly dị. Ngày 28/6/2018v, khi ông nhà tôi đưa Quy đến tòa để dự phúc thẩm xử ly hôn vợ chồng nó, thì xe máy của 2 bố con lại bị tai nạn. Quy bị xây xước phải vào viện điều trị, còn chồng tôi bị gãy chân”, bà Quốc cho hay.

a2.jpg
Phải mất nhiều thời gian nữa để bình phục sau 2 lần bị TNGT nhưng niềm động viên lớn nhất với chị Quy là 2 con ngoan ngoãn, thương mẹ

 

Từ ngày ông ngoại bị tai nạn, việc chăm sóc mẹ dồn lên vai cậu bé An 8 tuổi. Mẹ bị tai nạn lần 2 vào đúng dịp nghỉ hè, nên An ở hẳn viện chăm sóc mẹ. Khuôn mặt khôi ngô, ánh mắt lém lỉnh, bé An kể: Chăm cho mẹ khó nhất là nâng mẹ dậy và ngồi làm lưng ghế cho mẹ dựa, vì “em còn bé mà mẹ vẫn nặng lắm”. Nhưng biết hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bố đã bỏ đi, An không hề kêu ca một lời. Những ngày chăm mẹ trong viện, An theo chân người lớn đi xếp hàng xin cháo từ thiện cho cả 2 mẹ con. “Mọi người thấy em còn bé nên thương lắm, có người thấy trời mưa cho em cái ô, có người cho đồ ăn, cho cả tiền nữa”, bé An hồn nhiên kể.

Nhìn con, chị Quy thở dài: “Giờ tôi đi được vài bước chống nạng, bên chân đã teo lại và không còn cảm giác, hai bàn tay cũng yếu lắm, chưa biết phải làm việc gì kiếm sống. Tài xế gây tai nạn nói gia cảnh nghèo, lại là trụ cột gia đình nên nhà tôi đã làm đơn bãi nại ngay sau khi họ bồi thường 100 triệu đồng, từ đó họ không hề quay lại thăm hỏi. Giờ chi phí điều trị cho tôi đã lên tới cả tỉ đồng, nợ chồng chất, các con lại nhỏ dại…”.

Ông Vũ Văn Tặng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bắc Lý, xác nhận, hoàn cảnh nhà chị Quy hiện rất ngặt nghèo, bản thân chị Quy không thể lao động, trong khi 2 con còn quá nhỏ dại. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ, chia sẻ giúp 3 mẹ con chị Quy.

Mọi tấm lòng hảo tâm giúp đỡ 3 mẹ con chị Đỗ Thị Kim Quy (thôn Văn Cống, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) xin liên hệ số điện thoại 0963.456126 hoặc gửi về số tài khoản của chị Quy: 1902195738466, Ngân hàng Techcombank, chi nhánh Hà Nam.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 8 tháng năm 2018, toàn quốc xảy ra 11.782 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.366 người, bị thương 9.200 người. 

Trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông.

1a.jpg
4.jpg
3a.jpg
3333.jpg
5a.jpg

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn