Ngày 12/9, nước sông Hồng đã dâng cao tới chân đê, tất cả các cánh đồng ngoài bãi của 5 xã giáp sông là Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa, Thắng Lợi và xã Mễ Sở, đều chìm sâu trong lũ.
Cánh đồng trồng hoa cây cảnh của người dân ở xã Xuân Quan, xã Phụng Công vốn được đầu tư nhà lưới, nhà kính khung sắt có mái che rất hiện đại và quy mô, bởi người dân ở 2 xã này chuyên canh các loại hoa cây cảnh chất lượng cao. Vì vậy, thiệt hại do nước lũ đối với họ là vô cùng lớn, chưa thể thống kê hết được, nhưng ước tính có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Dọc 2 bên đường đê, một số người dân nhanh chân còn có thể chạy được một số loại hoa cây cảnh lên mặt đê, nhưng số này chẳng thấm vào đâu so với lượng cây bị chìm trong nước lũ.
Bà Lê Thị Vinh, ở thôn Tháp, xã Phụng Công, cho biết: Mấy chục năm nay tôi mới thấy có đợt nước lũ trên sông Hồng to như thế này, nước về nhanh quá, nên người dân bị thiệt hại nặng. Mặc dù chính quyền địa phương đã làm rất tốt, từ việc tuyên truyền cho người dân chạy cây, rồi đưa cả cán bộ nhân viên ra hỗ trợ. Nhưng thứ nhất là nhiều quá không chạy kịp, thứ 2 là một số người dân cũng chủ quan, không nghĩ rằng nước năm nay lại về to như vậy”.
Bà Đỗ Thị Nhất, ở thôn Bến, xã Phụng Công, ngậm ngùi: “Hoa trà nhà tôi trồng từ mấy năm nay rồi, dự kiến đến Tết năm nay hoặc năm nữa thì bán, giờ thì ngập hết rồi thì coi như mất trắng”.
Cả cánh đồng hoa cây cảnh nổi tiếng của xã Xuân Quan, xã Phụng Công, giờ thành nơi đánh bắt cá cho một số người dân. Theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn một số hộ gia đình cố vớt được ít cây nào hay ít đấy, nhưng trước cảnh nước lũ về to, cũng sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm rủi ro đối với họ.
Trước những diễn biến khó lường của nước lũ, những ngày qua lãnh đạo UBND huyện Văn Giang cũng đã huy động mọi lực lượng giúp đỡ người dân các xã canh tác ngoài bãi, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
Tại thời điểm phóng viên tác nghiệp, các cán bộ chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Văn Giang đang huy động 100% quân số đi hỗ trợ vận chuyển lợn cho một trang trại ngoài đồng bãi xã Phụng Công. Đàn lợn được vận chuyển từ trang trại ngoài bãi vào chân đê để xuất bán cho thương lái thu mua luôn.
Cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện Văn Giang giúp người dân giải cứu lợn khỏi nước lũ
Thượng tá Nguyễn Quyết Chí, Chính trị viên - Ban Chỉ huy quân sự huyện Văn Giang, cho biết: “Trước tình hình mưa lũ diễn ra phức tạp, Ban Chỉ huy quân sự huyện Văn Giang đã tổ chức lực lượng ra hỗ trợ người dân vận chuyển tài sản hoa màu, cây trồng vật nuôi về nơi an toàn để nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Suốt mấy ngày qua, anh em gần như không nghỉ, làm việc cật lực vì nước lũ về quá nhanh”.
Các xã Liên Nghĩa, Thắng Lợi và xã Mễ Sở, chủ yếu chuyên canh cây quất cảnh, cam, bưởi cảnh, cũng bị ngập sâu đến ngọn. Cả cánh đồng xanh ngắt, giờ chìm sâu trong nước lũ đục ngầu.
Chỉ những hộ dân làm quất cảnh nhỏ, trồng trong chậu nhựa, thì còn có thể chuyển cây chạy lũ lên đê như thế này. Phần lớn còn lại, đều chìm trong nước lũ và chắc chắn sẽ rất khó có thể sống sót sau khi lũ đi qua, bởi các loại cây trồng cam, quất, bưởi đều là giống cây không thể chịu ngập lâu dài.
Ông Trần Thanh Tùng, ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, chia sẻ: “Nước lớn như năm nay khiến cho người dân Văn Giang thiệt hại vô cùng lớn, có những gia đình mất trắng đến vài tỷ bạc. Xót xa lắm, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào cả. Có lẽ, do mấy chục năm nay, chưa bao giờ có nước lũ to như năm nay, nên thành ra nhiều người dân cũng quá chủ quan, khi nước về to thì không kịp trở tay nữa”.
Xót của, nhưng cũng chẳng biết làm cách nào để cứu vãn, nhiều người dân Văn Giang chỉ còn biết lên đê đứng nhìn nước lũ nhấn chìm tất cả tài sản hòa màu, mà họ đã một nắng hai sương bỏ công, bỏ sức để chăm sóc, vun trồng bấy lâu nay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn