Xót xa cảnh mẹ già tai biến, con trai ung thư, cháu gái bại não

08:20 | 02/12/2018;
Đau đớn nhìn cô cháu gái bị bại não từ nhỏ, 20 năm nay chỉ ngồi im một chỗ không biết gì, còn con trai đang ung thư giai đoạn cuối nằm cuộn trong từng cơn đau ở một góc trong buồng, người mẹ già Đào Thị Thịnh (TP Việt Trì, Phú Thọ) chỉ còn biết để mặc cho dòng nước mắt rơi…

Suốt bao năm nay, nhà chưa bao giờ có đủ đồ ăn sáng

Căn nhà nhỏ của gia đình bà Đào Thị Thịnh nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở khu Mộ Thượng, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì (Phú Thọ). Ngay từ cổng vào đã có thể bắt gặp gia cảnh khốn khó. Nhà nhỏ 2 gian, được xây cất từ 6-7 năm nay nhưng vẫn chưa thể làm xong cái mái. Ở phía trước sân, ngổn ngang những đống gạch, sỏi, cát… Bà Thịnh bảo đó là do con trai tích cóp lại trong nhiều năm, dự định sẽ xây cho gia đình một cái bếp tử tế.

Nhưng lời hứa của anh, có thể sẽ không bao giờ thực hiện được nữa…

Gần 2 tháng trước, trong một cơn đau quặn đến không thể chịu đựng được, anh ra bệnh viện Đa khoa Việt Trì khám và nhận được kết quả “ung thư phổi giai đoạn cuối”, bị bệnh viện trả về.

Kể từ đó đến nay, gia cảnh nghèo khổ, túng bấn, cơ cực của gia đình bà Thịnh lại càng rơi vào tột cùng bế tắc.

4.jpg
Đống vật liệu anh con trai tích cóp bao năm để mong xây cái bếp giờ vẫn đắp bao nằm đó
5.jpg
Cái nhà tắm sẽ còn phải tạm bợ che miếng tôn, bao dứa không biết đến khi nào

Bà Thịnh sinh năm 1941 và từng có 4 người con, nhưng 2 đứa đã qua đời. Chồng bà cũng mất sớm, nhà chỉ còn lại anh con trai là Nguyễn Văn Hải, SN 1977, đang ở với bà, còn cô con gái lấy chồng ở trong tận miền Nam xa xôi, ít có điều kiện ra Bắc thăm mẹ.

Trước đó, con trai bà từng lấy vợ, sinh được 2 người con nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Một ngày nọ, người con dâu bất ngờ bế đứa cháu thứ 2 bỏ đi đâu đó, để lại cho bà đứa cháu gái lớn bị bại não từ nhỏ, không biết nói, không biết cười, suốt ngày chỉ ăn, ngồi im một chỗ, luôn cần phải có người phục vụ 24/24h.

Trong suốt một thời gian dài, trong căn nhà nhỏ của bà, chỉ có 2 mẹ con cùng đứa cháu tật nguyền sinh sống.

Hơn 4 năm trước, con trai bà tái hôn lần 2 và sinh tiếp được 1 cháu trai. Tuy nhiên, cũng do kinh tế khó khăn nên người con dâu phải bế con về gửi bên nhà bà ngoại cách đó 20km, còn chị thì đi làm việc cho công ty để kiếm thu nhập mỗi tháng được 3-4 triệu đồng, hiếm khi về nhà.

 

1.jpg
Bà Thịnh cứ tưởng rồi cuộc sống sẽ dần ổn ổn hơn. Bà đâu ngờ mọi thứ lại ngày càng tồi tệ thế này

Với bản thân bà, chẳng thể nhớ được chính xác mình bị tai biến từ năm nào, chỉ biết là hiện giờ, bà lúc nhớ, lúc quên, còn một 1 bên chân phải từng bị liệt, giờ đi lại rất khó khăn, cà nhắc.

Anh con trai khi chưa phát hiện ra mắc bệnh ung thư thì là lao động chính trong nhà với nghề thợ xây. Công việc tuy bập bõm nhưng nếu đi làm thì cũng có được khoảng 220 ngàn đồng/ngày. Mọi chi tiêu của gia đình đều trông chờ cả vào khoản tiền đó. Trước kia nhà bà cũng có ruộng nhưng do sức yếu và phải ở nhà chăm cháu nên bà không có khả năng cấy, giờ cho không người ta, nên bà không có bất kỳ nguồn thu gì.

“Giờ nó ốm vậy, tôi không còn biết sẽ sống tiếp ra sao!”. Bà vừa nói vừa gạt đi dòng nước mắt rồi chia sẻ về cuộc sống khó khăn trước đó: “Nhà tôi nghèo, suốt từ bao năm nay chưa bao giờ có đủ đồ để mà ăn sáng, mỗi ngày chỉ được ăn 2 bữa trưa và tối”.

“Cháu gái bại não năm nay cũng lớn, có kinh nguyệt, tôi không có tiền để mua băng vệ sinh cho nó, chỉ có thể lấy giấy, báo cũ vo vo lại rồi đặt lót ở dưới quần, rồi sau đó thay rửa thường xuyên”.

“Nhiều năm rồi, tôi không có tiền, không đi chợ, không đi chùa chiền, không dám đi đâu…”.

Đau đớn khi ngày ngày nhìn con nằm chờ chết

Nói về tương lai, bà thấy mờ mịt quá: “Con trai ốm nặng, con dâu đành phải bỏ việc công ty về nhà chăm sóc chồng. Còn tôi, vẫn tiếp tục đảm nhiệm việc cơm nước, nhà cửa và chăm đứa cháu tật nguyền. Nhưng giờ nó lớn rồi, tôi lại quá già yếu đi, mọi việc bế cháu từ trên giường xuống đất, cho ăn, vệ sinh cá nhân, lau rửa đều là ở trên đùi bà, một ngày 4-5 lần làm tôi gần như kiệt sức, nhiều lần ngã quị. Tôi không còn biết có thể cố gắng được bao nhiêu”.

 

3.jpg
Ngoài chăm cháu, bà vẫn đang phải gắng lê lết một bên chân để làm các việc nhà

“Tiền chữa bệnh cho con thì không có. Suốt mấy ngày nay nó chỉ nằm ở trong nhà kêu rên, đau đớn kiểu như chờ chết, tôi không còn biết tính sao".

Theo chị Nguyễn Thị Hải Yến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Mộ Thượng, P.Bạch Hạc: “Gia cảnh hiện nay của gia đình  bà Thịnh quá khó khăn. Bản thân bà già yếu, lại tàn tật mà vẫn phải ngày ngày chăm sóc đứa cháu tật nguyền. Con trai là lao động chính trong nhà thì giờ lại mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa. Con dâu thì cũng đang phải cố gắng nuôi con nhỏ, giờ phải bỏ việc về chăm chồng, con thì đang phải gửi nhờ người khác nuôi… Xót xa trước gia cảnh nhà bà, địa phương đã phát động các tấm lòng hảo tâm, hỗ trợ, tuy nhiên, hiện tại số tiền ủng hộ vẫn còn ít, mới chỉ được khoảng 4 triệu đồng và 50 kg gạo”.

Từ hôm con trai phát bệnh, không có khả năng để xạ trị hay truyền hóa chất, không dùng thuốc Tây để giảm đau mà chỉ uống ít thuốc Nam, nhiều ngày không ăn uống được gì, chỉ nằm như chờ chết…, bà Thịnh càng đau đớn suy sụp tinh thần, trí nhớ ngày càng giảm sút. Mỗi sáng, 5 giờ bà đã thức giấc, 1-2 giờ đêm vẫn chưa ngủ được. 

Có nhiều lúc bà quên không tắt bếp, không nhớ là mình đã ăn cơm chưa, con gái về thăm nhà khi nào và đi ngày nào bà cũng không biết, con trai năm nay bao nhiêu tuổi bà không hay, cháu gái sinh năm nào cũng không nhớ… Song, người bà đau khổ ấy vẫn còn nhớ mãi một điều để thanh minh trong tiếng nghèn nghẹn nơi cổ họng: “Tôi không có bao giờ quên việc bón cơm ngày 2 bữa cho cháu mình”.

* Một số hình ảnh về gia cảnh khó khăn của bà Thịnh:

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn