Xót xa khi con bị bạn đánh công khai

17:10 | 07/04/2016;
Giơ hai bàn tay vẫn còn tấy đỏ, bé Phương Linh (trường Tiểu học Phương Mai, Hà Nội) ấm ức: Con đi vệ sinh vào lớp muộn, bạn lớp trưởng lấy thước kẻ đánh vào tay con 10 roi rất đau.
Nhiều đứa trẻ bị bạn bắt nạt đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý. Ảnh minh họa

Giơ hai bàn tay vẫn còn tấy đỏ, bé Phương Linh (trường Tiểu học Phương Mai, Hà Nội) ấm ức: Con đi vệ sinh vào lớp muộn một chút, bạn lớp trưởng lấy thước kẻ đánh vào tay con 10 roi rất đau. Nhìn bàn tay con vẫn còn lằn đỏ chị Hương không khỏi xót xa.

Bé Phương Linh cũng cho biết, bạn lớp trưởng có “quyền” rất to. Bạn nào vi phạm nội quy như nói chuyện, vào muộn, quay ngang quay ngửa… là được cô “ủy quyền” đánh 2 roi vào tay. Thế nhưng, có những bạn bị lớp trưởng đánh rất nhiều và đau, khoảng 10 roi, có bạn chảy cả máu tay.

Vì là “quy định” của lớp, các con mới học lớp 1 nên dù rất ấm ức cũng không dám phản ứng lại hay có ý kiến gì.

Trường hợp bị lớp trưởng đánh giống bé Phương Linh khá phổ biến ở các trường tiểu học. Nhìn từ góc độ phụ huynh, chị Hương thấy việc này thực sự phản cảm và tạo thói quen xấu trong môi trường học đường.

Cha mẹ cần lắng nghe để con biết cha mẹ luôn bên con. Ảnh minh họa

Với một số trẻ bị đánh có thể dễ quên nhưng không ít trẻ thường xuyên bị đánh, bị bắt nạt ở trường đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý. Chị Thanh Mai (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) rất bức xúc, lo lắng khi con gái lớp 2 bị một số bạn trong lớp đánh như một thói quen. Những lần thấy con bị tím bầm ở tay, hỏi con nhưng con chỉ dám nói là bị ngã. Sau một thời gian, thấy con gái vốn hiền lành không muốn đến lớp, đôi khi giật mình, bất an ngay trong cả giấc ngủ, chị mới biết con thường xuyên bị nhóm bạn ở lớp bắt nạt. Chỉ vì con chỉ nói chuyện và chơi với những bạn con thích nên những đứa trẻ mà con chị không chơi đã “dằn mặt” bé. Thấy con tự ti, sống khép kín, lầm lì, ít nói, không vui vẻ khi đến lớp, chị Thanh Mai đang chuẩn bị xin chuyển trường cho con.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Trung tâm tư vấn tâm lý cộng đồng SPC): Khi thấy con bị bắt nạt, nhiều cha mẹ nghĩ ngay tới chuyện chuyển trường, chuyển lớp cho con. Tuy nhiên, đây không phải là cách làm hoàn hảo. Cách tốt nhất là cha mẹ nên dạy con đối mặt với vấn đề này, cho trẻ lên tiếng.

Cha mẹ nên khuyên con bình tĩnh, cương quyết “đối mặt” trẻ bắt nạt mình bằng chiêu: Nhìn thẳng vào chúng và dõng dạc nói “không được trêu tớ nữa”. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, con nên chủ động thông báo cho thầy cô giáo, bố mẹ biết.

Đặc biệt, cha mẹ cần lắng nghe và chủ động hỏi han con, điều này giúp trẻ biết được cha mẹ luôn ở bên cạnh, luôn lắng nghe và hiểu con.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn