Ngày 13/9, BV Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, BV vừa phối hợp với các chuyên gia BV Bạch Mai cấp cứu thành công cho bệnh nhi L.A.K.(16 tháng tuổi, trú tại xã Noong U, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên) bị rắn lục cắn nguy kịch.
Trước đó, ngày 31/8, bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng khó thở, vết thương chảy máu, sưng nề, xuất huyết dưới da mu bàn tay trái. Gia đình cho biết, buổi sáng cùng ngày bé đi với cha mẹ lên nương làm rẫy. Tại rẫy, mẹ đặt bé tự chơi tại lán. Bất ngờ, bé bị rắn màu xanh cắn vào mu bàn tay trái, gây đau, sưng nhẹ, chảy nhiều máu. Người nhà phát hiện đã cầm máu và đưa cháu vào BV cấp cứu.
Theo các bác sĩ, trẻ được đưa vào viện trong tình trạng vẻ mặt lừ đừ, khó thở, vết thương chảy máu, sưng nề, xuất huyết dưới da mu bàn tay trái. Tình trạng bệnh nhi cần điều trị gấp. Sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, các bác sĩ nhận định tình trạng của bé rất nặng nên đã hội chẩn với các chuyên gia chống độc của BV Bạch Mai.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành truyền huyết thanh kháng nọc, bù các yếu tố đông máu, truyền kháng sinh, chống phù nề, dinh dưỡng, chăm sóc cấp 1. Qua 13 ngày điều trị và chăm sóc hết sức tích cực, tình trạng của người bệnh đã ổn định, các xét nghiệm cơ bản, rối loạn đông máu lần cuối đều bình thường. Hiện bệnh nhi đang tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại BV.
Các bác sĩ cho biết, vào tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là mùa sinh sôi của các loài rắn. Do địa hình tỉnh Điện Biên nhiều đồi núi, ẩm thấp là nơi cư trú của rắn nên các gia đình lưu ý:
- Thường xuyên cắt tỉa hàng rào, dọn cỏ và chặt bỏ các bụi cây trong vườn. Đây là những nơi rắn thường tới sống.
- Không để trẻ em chơi ở những vùng trống, cỏ cao.
- Luôn dùng kẹp khi di chuyển gỗ, bụi/bó cây, như vậy sẽ dễ dàng thấy được những con rắn ẩn nấp bên dưới.
- Khi đi qua những vùng cỏ cao, phải dùng một cây dài đánh động vùng phía trước để dọa chúng bò đi nơi khác.
- Mặc quần dài và mang ủng cao khi làm việc hay đi qua những vùng có thể có rắn.
- Đừng bao giờ cầm rắn trên tay, cho dù nó đã chết. Nếu bạn thấy một con rắn, hãy tránh xa nó ra.
- Ngủ trên võng khi đi cắm trại.
- Canh chừng rắn khi lội qua sông, suối.
- Học cách nhận biết rắn độc để phòng ngừa.
Khi người bệnh bị rắn cắn thì trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn sau đây để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể:
- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn;
- Giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc;
- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên;
- Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;
- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý;
- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn
- Trường hợp bị phun nọc độc vào mắt (rắn Hổ mang đất), phải rửa mắt càng sớm càng tốt với nhiều nước sạch.
- Đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24 - 48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn