Công việc kiệt sức, cuộc sống đơn điệu, đi lại xa bị hạn chế… Trong hai năm qua, ngày càng có nhiều người sống ở các thành phố lớn, bắt đầu khám phá một cách sống khác: Là một người nông dân vào những ngày cuối tuần, về nông thôn và sống ẩn dật... Sống ở thành phố 5 ngày trong tuần và về quê vào 2 ngày cuối tuần, cuộc sống kiểu "5 phố 2 quê" này đang dần trở thành một xu hướng sống mới của những người trẻ hiện nay.
Ở đó, họ tìm thấy sự thư thái và một chút hy vọng mới giữa cuộc sống bộn bề.
Diễm và chồng đều cùng làm việc trong các công ty công nghệ, ngày nào họ cũng phải làm việc trong một môi trường hết sức cạnh tranh. Tăng ca tới 12h đêm, cuối tuần chỉ được nghỉ một ngày, cuộc sống mỗi ngày đều vô cùng mệt mỏi.
Năm 2019, Diễm từng nghĩ tới chuyện nghỉ việc, bởi trong đầu cô luôn có hai câu hỏi: "Mình thực sự muốn một cuộc sống thế này ư? Đây là những thành tựu cuộc sống mà mình muốn đạt được ư?" Đáp án là "không"!
May mắn là Diễm và chồng có suy nghĩ giống nhau. Cả hai đều cùng mơ về một căn nhà nhỏ với sân vườn trước nhà, trồng vài loại rau, cây cối, hai chú chó, và làm những công việc tự do. Hai vợ chồng, một người là quản lý sản phẩm, một người là lập trình viên. Cả hai có thể phát triển độc lập, Diễm cũng sẽ bắt đầu với công việc sáng tạo nội dung. Thật may mắn khi có ai đó bên cạnh để cùng nhau làm điều này.
Để đạt được cuộc sống như vậy, ít nhất phải có hai sự chuẩn bị: Đủ tiền và học làm nông.
Vì vậy, hai vợ chồng cô lập một kế hoạch: 5 phố 2 quê (5 ngày ở thành phố làm việc, 2 ngày cuối tuần về vùng nông thôn trải nghiệm cuộc sống).
Đi đi lại lại giữa hai nơi, vừa làm việc vừa tiết kiệm, đồng thời cũng triển khai công việc sáng tạo nội dung, mục tiêu là tiết kiệm đủ tiền cho cuộc sống mà hai vợ chồng mơ ước.
Vào cuối tuần, họ chọn một ngày để về vùng nông thôn và làm việc như một nông dân, hoàn thành xong công việc, họ quay trở lại thành phố.
Hai vợ chồng cũng bắt đầu xem một số bộ phim và sách, chẳng hạn như "Nông trại của Clarkson", "Khu rừng nhỏ", "Life is fruit", và nhận ra rằng ở Nhật, cuộc sống "5 phố 2 quê" này khá phổ biến.
Hai vợ chồng Diễm thuê một mảnh đất bên ngoài đường vành đai của thành phố, lái xe đến đó mất khoảng 30 phút. Nông dân địa phương nhận khoán một diện tích lớn rồi cho thuê lại, hai vợ chồng cô thuê 30m2 với một mức giá khá phải chăng so với thu nhập của hai người.
Hai vợ chồng đều là những người cẩn thận, họ sẽ không làm gì đó chỉ vì bốc đồng, trước khi bắt đầu chính thức họ sẽ xem xét tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy, trước khi quyết định thuê đất, họ bắt đầu thử trồng ngay tại ban công nhà mình trước.
Khi trồng rau ngoài ban công, họ cũng chụp một số bức ảnh để ghi lại quá trình sinh trưởng của chúng. Sau này, Diễm cảm thấy chỉ trồng ở ban công cây sẽ không thể lớn hết mức. Hơn nữa, ở thành phố, ban công nhiều nơi không đủ ánh sáng, cây cối không phát triển tốt.
Hai vợ chồng bắt đầu lùng sục trên mạng tìm nơi nào thoải mái cho cây phát triển. Sau cùng, họ tìm được mảnh đất hiện tại. Hơn nữa, sẽ có những người trong trang trại dạy hai vợ chồng những kiến thức và kỹ năng về trồng trọt. Rất nhiều thứ cần phải thực hành, và không có hướng dẫn trên Internet.
Sau khi bắt đầu cuộc sống của một người nông dân vào cuối tuần, hạnh phúc của hai vợ chồng cô tăng lên đáng kể. Diễm từng là giám đốc sản phẩm và hàng ngày phải tiếp xúc với nhiều người, cô không có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên. Cuối tuần, cô thường nằm lì ở nhà và một ngày sẽ trôi qua cùng với chiếc điện thoại. Nhưng hiện tại, cả hai vợ chồng đều mong đợi đến cuối tuần.
Vào mỗi buổi sáng cuối tuần, hai vợ chồng có động lực đến mức dậy sớm hơn cả thời gian phải dậy đi làm hàng ngày, họ hào hứng chuẩn bị những thứ cần mang theo, chẳng hạn như kéo, găng tay và quần áo chống nắng vào lúc 8 giờ.
Khi đến vụ xuân và thu, công việc quan trọng nhất trên đồng ruộng là xới đất, rải phân bón rồi phân luống, đắp luống theo loại rau muốn trồng. Sau cùng là lúc gieo hạt. Khi cà chua và ớt phát triển đến một mức độ nhất định, cần phải tỉa bớt nhánh. Rau non thì cần bắt sâu bọ thường xuyên.
Sau khi bắt đầu làm nông, Diễm phát hiện ra rằng làm nông dân không dễ dàng. Ví dụ, xới đất thực sự là công việc rất khó khăn. Một mùa đông trôi qua, đất đai cứng thành khối. Khi ấy, cần lấy một cái xẻng, lật cả miếng đất lên, rồi sau đó đập nhỏ cho thật đều. Có lần hai vợ chồng gọi điện cho hai người bạn tới giúp sức, nhưng vẫn phải mất tới 5 giờ đồng hồ cho công đoạn này.
Một khó khăn nữa là các loại rau khác nhau có cách trồng khác nhau. Và đôi khi hạt chôn sâu quá sẽ không mọc ra được, nếu quá nông thì hạt có thể bị rửa trôi ngay khi được tưới nước, vì vậy phải chú ý rất nhiều.
Hai vợ chồng cũng thường xuyên mang rau sạch về chia sẻ với người thân và bạn bè.
Hai năm trở lại đây, vì dịch bệnh, lối sống tự cung tự cấp này dường như trở nên phổ biến hơn.
Cuối tuần làm ruộng mất cả buổi chiều, đây hoàn toàn là công việc lao động chân tay, việc cần làm là tập trung làm sao để gieo trồng cho tốt, khi mệt có thể ngồi hóng gió một lúc. Đối với những người như vợ chồng Diễm, những người thường xuyên làm việc trí óc, công việc này là một cách rất tốt giúp họ thư giãn, giải tỏa.
Những lúc như vậy, trước mắt chỉ toàn là một màu xanh của thiên nhiên, xung quanh là một vài người già và trẻ em đang làm ruộng. Con người và cây cỏ đều rất tự nhiên.
Hai vợ chồng nhìn những hạt giống mình gieo bắt đầu nảy mầm, ra lá và kết trái. Tâm lý của họ cũng sẽ thay đổi theo, Diễm nhận ra được một điều rằng, cô vẫn có quyền lựa chọn cuộc sống, và cuộc sống có thể khác đi nếu sẵn sàng sắp xếp, chăm sóc lại nó, mọi thứ trên đời, đều có thể xảy ra!
Lam làm việc trong một studio chụp ảnh trong thành phố, cuối tuần, cô về quê với mẹ sống hai ngày. Việc có thể chuyển đổi giữa công việc và cuộc sống theo ý muốn, đó là một điều rất hạnh phúc với cô.
Năm tôi 17 tuổi, ba Lam lâm bệnh qua đời, ngôi nhà ở nông thôn thành nơi đau buồn của cả gia đình, mẹ cô cũng thấy một mình làm nông không còn sức nuôi chị em Lam ăn học, vì vậy ba người họ rời ngôi làng đến sống ở thành phố.
Hai năm sau, Lam đi học đại học ở tỉnh khác, tốt nghiệp xong thì quay trở lại thành phố nơi mẹ và em đang sống, làm việc cho một công ty truyền thông mới khởi nghiệp được hai năm. Thỉnh thoảng rõ ràng không có công việc nhưng vẫn phải dành thời gian ở văn phòng, Lam cảm thấy như đang lãng phí thời gian của mình.
Sau đó, Lam bỏ việc và bắt đầu nghề nhiếp ảnh gia tự do, hàng ngày cô gặp gỡ mọi người từ mọi tầng lớp xã hội, chụp các sản phẩm, kiến trúc và video quảng cáo của công ty. Lịch trình rất ngẫu nhiên. Ví dụ, một lần cần quay cảnh suối nước tự nhiên ở vùng nông thôn, từ lúc quyết định hợp tác đến khi quay xong, phải mất hai tháng. Thời gian quay chỉ mất hai hoặc ba ngày, còn lại là thời gian chờ đợi. Trong trạng thái chờ, bạn sẽ không thể yên tâm sắp xếp lịch trình cho cuộc sống của mình.
Mặc dù đang làm công việc nhiếp ảnh yêu thích của mình, nhưng nó không giống như đang sáng tạo, bởi lẽ khách hàng luôn có yêu cầu riêng, và Lam buộc phải không ngừng thực hiện các thay đổi dựa trên ý kiến của đối phương.
Bản thân Lam vốn thích chụp cảnh thiên nhiên, cô bắt đầu nghĩ về mảnh đất mà mình đã sống khi còn nhỏ, vùng quê đó, không biết bây giờ nó ra sao, và cô thực sự muốn quay lại đó. Có lẽ, thiên nhiên cũng có thể cho cô một số cảm hứng chụp ảnh. Và có lẽ cô cũng có thể sử dụng chiếc máy ảnh của mình để ghi lại cảnh vật và ẩm thực, rồi giới thiệu quê hương của mình với nhiều người hơn.
Sau khi bàn bạc với mẹ, Lam và mẹ đã quyết định cùng nhau quay trở về nhà cũ sống trong hai ngày cuối tuần. Chỉ mất chưa tới một tiếng lái xe quay trở về đó.
Ba năm sau khi quay lại, quê hương đã thay đổi nhiều nhưng Lam thì vẫn cảm nhận được sự ấm áp và vui tươi của tuổi thơ. Khi đó, người lớn chăn thả gia súc, lũ trẻ chơi đuổi bắt cùng đám bạn, cảnh chơi trốn tìm ngoài ngôi nhà ngói đỏ đầu làng lúc chạng vạng hiện rõ trong tâm trí Lam.
Trong ký ức tuổi thơ của Lam, xóm có nhiều thanh niên, trẻ con, nhưng giờ chỉ còn vài cụ già.
Một ngày nọ, Lam đến nhà ông bà nội, ông bà dựa vào đầu giường, đèn tắt, thỉnh thoảng nói vài câu, căn phòng chỉ có ánh sáng của chiếc TV phản chiếu trên gương mặt họ.
Hình ảnh như thế này chỉ còn lại trong ký ức tuổi thơ của cô, và mỗi khi nhìn thấy nó, Lam lại thấy ấm áp và bình yên hơn.
Xung quanh nhà Lam là ruộng rau, cây cối, trước kia, họ gieo hạt mỗi năm hai lần, hái được quả chín bốn mùa. Trước cửa có khóm tre, mương nước, mùa mưa nước chảy ào ào.
Ngôi nhà của Lam là một ngôi nhà hai tầng được xây dựng cách đây hơn 10 năm, hai bên nhà xây thêm các phòng phụ để làm phòng bếp và phòng chứa củi. Trước cửa trồng ba cây hồng dại, nay đã cao như căn nhà ba tầng.
Vào những ngày cuối tuần quay về đây ở, ngắm nhìn cây cỏ hoa lá ngoài sân, tiếng mẹ trò chuyện cùng bà con lối xóm, Lam cảm thấy rất yên bình, vào những khoảnh khắc đó, cô không cần phải đối mặt với bất cứ công việc phức tạp nào, sẽ chỉ còn lại sự thư thái và nhẹ nhõm.
Nghĩ lại ngày xưa khi còn sống ở đây, Lam không có cảm giác gì đặc biệt với nơi này, ngày này qua ngày khác cứ trôi qua như vậy, bố mẹ cô làm nông, hai chị em chơi với những đứa trẻ cùng làng, họ không có khái niệm về thời gian, và cũng chưa bao giờ nghĩ đâu mới là ý nghĩa của cuộc sống.
Nhưng sau khi rời đi, đi học, đi làm, lớn lên rồi trở lại nơi đây, bao kỉ niệm tuổi thơ cứ ùa về, quá khứ hiện về qua hết cảnh tượng này tới cảnh tượng khác. Bỗng dưng, Lam cảm thấy trân quý và biết ơn vô cùng. Hiện tại, mỗi một nhành hoa, mỗi một chiếc lá, chim muông, cá, sâu bọ, cỏ cây, cô đều muốn quan sát và lắng nghe chúng thật kĩ, cô có cơ hội được nhìn nhận lại cuộc sống của chính mình, được chậm lại, như thể những điều tốt đẹp đã từng mất đi nay đã được lấy lại…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn