Kể từ sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng trên toàn thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn mối quan hệ giữa ăn uống và sức khoẻ. Theo CDC, ăn uống lành mạnh giúp bạn có hệ thống miễn dịch khoẻ mạnh hơn, từ đó phòng chống lây nhiễm bệnh tốt hơn. Và đường là thứ gia vị nằm trong danh sách cần được thay thế.
Trong những năm gần đây, "cuộc chiến về đường" ngày càng nóng lên. Không chỉ với giới chuyên gia, nhiều người đang nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa việc ăn quá nhiều đường với nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường type 2. Và theo xu thế này, các công ty hàng đầu đã cật lực lao đầu vào thay đổi để cho ra những sản phẩm lành mạnh hơn.
Forbes đưa ra thống kê, Impossible Burger đã giảm lượng muối và chất béo bão hòa trong bánh mì kẹp thịt thuần chay của mình. Họ dần chuyển sang sản xuất sản phẩm ít đường và không đường có nguồn gốc thực vật, dựa vào các chất làm ngọt tự nhiên.
Công ty khởi nghiệp Good Good của Iceland sản xuất chất thay thế đường. Gardar Stefansson, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty, cho biết lợi ích của việc sử dụng chất làm ngọt tự nhiên như này là chúng ít có khả năng làm tăng lượng đường huyết trong cơ thể.
Tương tự, công ty khởi nghiệp Otamot Foods đã tạo ra các loại nước sốt không thêm đường mà thay vào đó lấy vị ngọt từ các loại rau củ bao gồm củ cải đường, cà rốt, bí đỏ và khoai lang. Nước sốt của họ có nguồn gốc tự nhiên với lợi ích bổ sung là giàu chất xơ...
Fody Foods chọn một con đường khác để bổ sung các loại đường thay thế. Họ sử dụng chất làm ngọt thay thế đường như xi-rô phong, đường mía thô, đường dừa, gạo lứt hữu cơ xi-rô và nước ép trái cây.
Đây chỉ là một vài ví dụ cho thấy nhiều công ty, nhãn hàng trên toàn cầu đang dần thay đổi sang thực phẩm không đường, hoặc ít đường nhất có thể. Điều này là tất yếu, khi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sự minh bạch. Họ đọc nhãn và nấu ăn nhiều hơn cho bản thân cũng như gia đình mình. Các nhãn dinh dưỡng và danh sách thành phần đều sẽ được xem xét kỹ lưỡng trong tay một người nội trợ thời nay.
Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật phát triển của thế giới. Vài năm trở lại đây, những loại đồ ăn, thức uống gắn mác không đường hoặc ít đường, sử dụng đường tự nhiên... đã đem đến cái nhìn thiện cảm hơn cho những người quan tâm đến sức khỏe.
Nhiều người Việt đã và đang "dịch chuyển" thói quen ăn uống, đặc biệt chú trọng hương vị món ăn. Chúng ta lựa chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hàm lượng dinh dưỡng cao, giúp no lâu, hạn chế tăng cân và đặc biệt đảm bảo lưu giữ hương vị nguyên bản. Các phụ huynh cũng quan tâm nhiều đến việc bổ sung chất xơ cho con qua bữa ăn hàng ngày, đồng thời giảm đường để cải thiện sức khoẻ. Chính vì thế, nhu cầu mua dùng những loại bánh nhiều chất xơ, bánh không đường cũng tăng lên.
Xu hướng dùng thực phẩm không đường lan rộng toàn thế giới, tạo nên hiệu ứng ăn uống lành mạnh đáng khích lệ. Thế nhưng hiểu thế nào cho đúng về thực phẩm không đường, từ đó lựa chọn đúng và dùng đúng thì hầu như không phải ai cũng nắm rõ.
1. Bắt đầu dần dần
Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), việc bỏ đường vốn không đơn giản với nhiều người. Đầu tiên, bạn cần bắt đầu từ từ. Hãy coi vài tuần đầu tiên là khoảng thời gian ăn ít đường thay vì không đường. Vị giác và khẩu vị của bạn có thể được "đào tạo lại" để áp dụng lối sống ít đường hơn. Cuối cùng, bạn sẽ không thèm ăn các loại thực phẩm nhiều đường như trước.
Trong thời gian này, bạn vẫn có thể ăn thực phẩm có đường tự nhiên, như trái cây. Theo Healthline, bạn có thể:
- Thử cho ít chất tạo ngọt vào cà phê, trà hoặc ngũ cốc ăn sáng.
- Đổi soda thông thường và nước ép trái cây bằng nước trái cây ép pha nước.
- Ăn sữa chua không hương vị, có thể thêm các loại quả mọng.
- Chọn bánh mì nguyên hạt, mì ống và các loại ngũ cốc khác không thêm đường. Đọc nhãn để đảm bảo.
2. Học cách đọc nhãn thực phẩm
Cách đơn giản nhất để loại bỏ các nguồn đường ẩn là đọc thông tin dinh dưỡng và danh sách thành phần được tìm thấy trên nhãn thực phẩm.
Chú ý: Đường thường được đo bằng gam trên nhãn, 4g tương đương với một thìa cà phê.
Một số loại thực phẩm, chẳng hạn như trái cây, không có nhãn thành phần. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải tra cứu thông tin dinh dưỡng từ các nguồn khác, ví dụ như tra cứu trực tuyến.
3. Tìm hiểu các tên gọi của đường
Đường có thể có nhiều tên gọi và bạn sẽ cần tìm hiểu tất cả để loại bỏ hoàn toàn ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Một nguyên tắc chung là tìm kiếm các thành phần kết thúc bằng "ose" - đây thường là các dạng đường. Ví dụ: glucose, maltrose, sucrose, dextrose, fructose, lactose.
Ngoài các loại đường được dán nhãn rõ ràng, chẳng hạn như đường mạch nha, đường có thể có nhiều dạng khác như: molasses, agave, syrups, such as corn, rice, malt, and maple, fruit juice concentrate, maltodextrin.
4. Tránh chất làm ngọt nhân tạo
Các chất thay thế đường phổ biến bao gồm: Stevia, Splenda, Equal, Sweet 'N Low, Nutrasweet.
Các thành phần cần theo dõi bao gồm: saccharin, aspartame, neotame,sucralose, acesulfame potassium.
Thông thường, chất thay thế đường được tìm thấy trong các thực phẩm không đường, ít đường hoặc ít calo.
5. Tránh các loại đồ uống có đường
Đường có thể được tìm thấy trong:
- Nước ngọt.
- Các loại nước ép trái cây.
- Cà phê có hương vị.
- Sữa có hương vị.
- Trà có hương vị.
- Sô cô la nóng.
- Cocktail và rượu.
Loại bỏ hoàn toàn đường tự nhiên và đường bổ sung là điều không dễ thực hiện nhưng hãy nhớ rằng, một khi bạn điều chỉnh lại khẩu vị của mình, ham muốn ăn thêm đồ ngọt của bạn sẽ không còn nhiều nữa. Khi thêm đường trở lại chế độ ăn uống của bạn, hãy bắt đầu với đường tự nhiên, như trong trái cây. Bạn sẽ thấy những thứ này có vị ngọt hơn và sẽ hài lòng hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn