Sự khác biệt khiến gen Z cảm thấy bị yếu thế
Trải qua 4 nơi làm việc chỉ trong vòng 1 năm, Bảo Châu (23 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) mới tìm được nơi làm việc ổn định, Châu cho biết: "Để tìm được một nơi làm việc phù hợp không phải là điều dễ dàng".
Đúc kết sau nhiều lần chuyển việc, Châu nhận thấy, một môi trường làm việc tốt không phải là mức thu nhập cao mà văn hóa cơ quan, đồng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng để người trẻ như Châu có thể hòa nhập và phát triển tốt.
"Có thể vì điều kiện sống tốt hơn so với các thế hệ trước nên tôi ưu tiên những nơi làm việc lành mạnh, để giúp mình có nhiều cơ hội phát triển hơn thay vì "đồng tiền", đặc biệt là trong sức khỏe tinh thần, nên tôi mong muốn tìm đến một môi trường làm việc thoải mái để được sống hết mình với đam mê, công việc yêu thích", Châu chia sẻ.
Đồng quan điểm, một môi trường làm việc lý tưởng đối với Phương Linh (23 tuổi, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) là "một môi trường có sự công bằng, tôn trọng lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, các thế hệ và lứa tuổi khác nhau".
Có cơ hội được làm việc tại môi trường với nhiều đồng nghiệp là thế hệ 9x, 8x và 7x, vừa là may mắn vừa là thách thức đối với Linh. Bởi, khi làm việc với nhiều đồng nghiệp lớn, yêu cầu đối với công việc có phần cao hơn, khắt khe hơn, khiến Linh đôi lúc cảm thấy áp lực và khó hòa nhập, nhưng ngược lại, điều này thúc đẩy Linh phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn.
"Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi nhận được nhiều hơn mất, học hỏi được nhiều bài học, kinh nghiệm mà không phải ở đâu cũng có thể cho được, từ đó giúp tôi trưởng thành hơn", Linh nhấn mạnh.
Song, sau một thời gian gắn bó, Linh không thể phủ nhận được sự khác biệt về tính cách, sự non nớt của thế hệ trẻ và sự dày dặn kinh nghiệm của thế hệ đi trước đã khiến gia tăng sự đối lập và mâu thuẫn trong công việc. Từ những điều đó, những người trẻ như Linh cảm thấy bị yếu thế hơn, cơ hội phát triển bị thu hẹp lại.
Vì vậy, theo Linh, với những luận điểm trên, người trẻ hiện nay sẽ có xu hướng "nhảy việc" cao hơn so với các thế hệ trước.
Trước tình trạng này, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) cho biết, lao động trẻ ngày nay đã có sự thay đổi trong công việc, bởi họ gắn bó với công việc không chỉ vì thu nhập, mà còn là không gian tự do để cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân.
Cụ thể, người trẻ sẽ quan tâm đến danh tiếng, thu nhập, phúc lợi; cách doanh nghiệp hỗ trợ nhân viên phát triển kỹ năng; mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên mang tính huấn luyện hơn là chỉ đạo,…nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của họ.
Hình ảnh giữa những lao động thế hệ X, Y và lao động thế hệ Z cũng có sự đối lập với nhau. Trong lúc, gen Z cảm thấy thế hệ X,Y là bảo thủ, khó thay đổi, khó chấp nhận sự sáng tạo, không tôn trọng với những khác biệt của gen Z; thì thế hệ X, Y cảm nhận gen Z là những người năng động, sáng tạo, nhưng cũng là nhóm lao động "khó chiều" khi phải tạo cảm hứng, cảm giác thoải mái cho họ, không được kiểm soát giờ giấc và đưa những quy định khắt khe.
Chính những khác biệt cùng kỳ vọng cao, sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới khiến nhân sự gen Z dễ cảm thấy chán nản, không cảm thấy được thỏa sức sáng tạo, phát triển, từ đó, họ sẵn sàng nghỉ việc và tìm kiếm một môi trường làm việc thoải mái hơn.
Cần có sự thấu hiểu giữa các thế hệ
Là một trong những lao động trẻ hiếm hoi chưa từng "nhảy việc" kể từ khi tham gia vào thị trường lao động, Thanh Hà (24 tuổi, Q. Cầu Giấy, Hà Nội) tự nhận thấy, tính cách có phần "già dặn" hơn so với lứa tuổi nên việc hòa hợp với đồng nghiệp thế hệ trước trở nên dễ dàng hơn. Dù vậy, khoảng cách thế hệ vẫn khiến Hà không thể tránh khỏi những bất đồng trong công việc.
Hà cho biết, "Khác biệt về thế hệ và quan điểm sống, không thể tránh khỏi những bất đồng trong công việc, điều này khiến tôi cảm thấy khá áp lực khi nghĩ rằng bản thân còn non trẻ và thiếu sót về tư duy lẫn kinh nghiệm. Nhưng, không phải lúc nào cách làm của gen Z cũng không tốt mà nguyên nhân chủ yếu đến từ sự khác nhau trong tư duy giữa các thế hệ. Từ đó dẫn tới việc gen Z cảm thấy không được đánh giá đúng năng lực".
Sự khác biệt mà Hà nhận thấy rõ nhất là bởi gen Z được bắt nhịp "trùng" với sự chuyển đổi của xã hội hiện đại, dễ dàng học hỏi nhanh hơn, đặc biệt là trong công nghệ, từ đó, họ có lối sống và quan điểm dân chủ hơn.
Nhìn nhận từ bạn bè xung quanh, Hà chia sẻ, vấn đề gen Z "nhảy việc" cần nhìn từ 2 phía, gồm: Gen Z và doanh nghiệp. Phía doanh nghiệp còn thiếu sự cởi mở để giúp thế hệ này hòa nhập với công việc, từ đó khiến gen Z cảm thấy không được học hỏi. Ngược lại, ở phía gen Z, cần có sự chủ động trong công việc, nỗ lực học hỏi và phát huy năng lực bản thân hơn để doanh nghiệp có thể đánh giá và cởi mở hơn.
Đây cũng là quan điểm, Linh không phủ nhận xu hướng "nhảy việc" của gen Z đang gia tăng nhưng câu chuyện cần được nhìn nhận từ cả yếu tố tiêu cực và tích cực. Bởi, "Đôi lúc chính điều này đang khiến việc đánh giá năng lực gen Z trở nên khắt khe, khó được công nhận hơn, từ đó, cơ hội phát triển bị thu hẹp lại".
Thực tế, câu chuyện Gen Z và thực trạng "nhảy việc" đang khiến nhóm lao động gen Z nhận về nhiều đánh giá không mấy tích cực, ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ này trên thị trường lao động.
PGS. TS Trần Thành Nam cho biết, trong góc nhìn của lãnh đạo và đồng nghiệp gen X, Y, hình ảnh của gen Z chủ yếu đều khá tiêu cực: Hay than vãn, đòi hỏi, lười biếng và không trung thành, không có sự kiên trì, bền bỉ, kén chọn,… Nhưng, lao động trẻ ngày nay cũng có những yêu cầu và kỳ vọng cao hơn với doanh nghiệp và công việc. Điều mà họ cần là sự công nhận, sự trao quyền được sáng tạo và chịu trách nhiệm.
Vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề này từ hai phía: Tích cực và tiêu cực; sự thấu hiểu về khoảng cách và khác biệt giữa từ các thế hệ với nhau, giữa lãnh đạo và nhân viên.
Đối với người lãnh đạo, cần điều chỉnh và dung hòa sự khác biệt về nhận thức, thể hiện sự hỗ trợ, huấn luyện, có sự lắng nghe và trao đổi hai chiều về những vấn đề trong công việc: Lương thưởng phúc lợi,...; tạo sự kết nối, gắn kết; có hoạt động chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho nhân viên;...
Còn đối với Gen Z, cần nhận thức và xác định tương lai nghề nghiệp rõ ràng. Vì để có một sự nghiệp bền vững thì không chỉ cần kiến thức, kỹ năng mà còn cả phẩm chất và thái độ; cần rèn tính kỷ luật, kỹ năng thuộc về cái đầu (lãnh đạo, quản lý, tổ chức công việc); kỹ năng thuộc về trái tim (thấu hiểu, thuyết phục, quản trị cảm xúc) và tối ưu kỹ năng của đôi bàn tay (bằng cách tận dụng công nghệ, AI).
Hơn nữa, không thể phủ nhận tình trạng "nhảy việc" tại gen Z có xu hướng tăng, ông Trần Hoàng Nam đưa ra lưu ý, Gen Z nên hạn chế "nhảy việc", bởi mỗi công việc đều cần có thời gian để tìm hiểu, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, nhằm tránh hệ quả, dù có làm việc 10-15 năm, vẫn chỉ là newbie (người mới) với hiệu suất làm việc thấp.
Mỗi thời kỳ và giai đoạn sẽ có tư duy sống khác nhau, truyền thống và hiện đại. Vì vậy, khi gặp mâu thuẫn trong công việc, giữa đồng nghiệp hay giữa lãnh đạo và nhân viên cần có sự chia sẻ thẳng thắn để tìm ra điểm chung.
Và khi công ty tốt, chính sách tốt, sếp tốt thì gen Z sẽ không có nhu cầu nhảy việc. Còn gen Z tài giỏi, có năng lực và tinh thần làm việc tốt, công ty cũng sẽ mong muốn hợp tác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn