Xu hướng “phổ cập cao học”, đi học chỉ để xóa bằng tại chức, chuẩn hóa chức danh

09:32 | 15/12/2020;
Trong xã hội hiện nay đang xuất hiện xu hướng “phổ cập cao học” khi mà tỷ lệ người học cao học ngày càng tăng, chương trình các trường mở ra “trăm hoa đua nở”.

Thực tế cho thấy, bậc học này ở nhiều nơi được đánh giá đem lại ít kiến thức, học hời hợt, nhiều trường hợp đi học chủ yếu để xóa bằng tại chức, chuẩn hóa chức danh và mở rộng mối quan hệ nhằm mục đích cá nhân.

Học cao mà kiến thức giảm

Trong tiếng Hán, chữ "thạc" có nghĩa là danh vọng to lớn và danh hiệu thạc sĩ có nghĩa là người có học thức rộng, biết nhiều điều. Tuy vậy, với việc tuyển sinh cao học dễ dãi và đào tạo hời hợt như hiện nay, với nhiều trường hợp, thạc sĩ gần như chỉ là hư danh. Để đánh giá một người có học thức thật sự hay không, tấm bằng thạc sĩ chỉ mang tính tham khảo.

Xu hướng “phổ cập cao học” và việc cần trả thạc sĩ về đúng nghĩa - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Việc đào tao thạc sĩ tràn lan đến từ 3 nhóm đối tượng chính theo học bậc cao học mà không vì mục tiêu phục vụ công việc hay để nâng cao kiến thức, trình độ, đó là: sinh viên ra trường thất nghiệp, người muốn"xóa" bằng đại học xấu và người muốn học để cho oai.

Ước chừng hiện nay nước ta có khoảng 200.000 cử nhân không có việc làm. Một bộ phận nhóm này học lên cao học để muốn có việc làm, xét về lý thuyết, học lên cao sẽ có nhiều kiến thức và có cơ hội việc làm rộng mở hơn. Tuy vậy hàng năm, số lượng thạc sĩ thất nghiệp hoặc làm trái ngành ở nước ta vẫn ở con số lớn. Như vậy, lãng phí lại chồng lãng phí.

Thứ hai, với một xã hội bằng cấp được thể chế bằng pháp luật thì những người có bằng đại học hệ tại chức luôn cố gắng đi học thạc sĩ để "xóa" bằng xấu. Khi có bằng thạc sĩ ở một trường lớn thì nghiễm nhiên không ai còn quan tâm đến tấm bằng đại học. Bên cạnh đó, không ít người học thạc sĩ để làm đẹp hồ sơ cho các vị trí lãnh đạo, bổ nhiệm hoặc nâng lương. Với nhiều người, thời gian học trên lớp thì ít mà thời gian đi "thực tế", liên hoan, họp lớp nhiều gấp mấy lần.

Tiền quỹ lớp thì như một "ngân hàng thu nhỏ". Điều này khiến cho những người có ý thức học tập thực sự cũng rất khó nếu không theo cùng tập thể. Một học viên cao học chia sẻ: "Học cao học thì ngoài tiền học phí đã nhiều thì tiền quỹ lớp cũng xấp xỉ. Không đóng không được vì cả lớp đều thế để giải quyết các công việc chung".

Thứ ba, với tâm lý sĩ diện, học cho oai, không ít người đăng ký học cao học để thành ông "thạc" bà "sĩ" cho dù biết rằng kiến thức thu nhận được không nhiều. Một số người là con cán bộ cấp cao, không những có bằng thạc sĩ mà có bằng tiến sĩ khi còn rất trẻ. Với tấm bằng hoành tráng đó cùng với tuổi đời trẻ, họ dễ dàng được bổ nhiệm vào một vị trí mà nhiều người có năng lực phấn đấu cả đời chưa chắc đã đạt tới.

Nguyên nhân từ đâu?

Thực tế khách quan cho thấy, thành phần người học cao học phân khúc rất mạnh, trẻ có, già có, doanh nhân có, sinh viên mới tốt nghiệp cũng không ít. Điều này đến từ việc chất lượng đào tạo thạc sĩ ngày càng thấp và mang tính hình thức, việc đi học thạc sĩ trở nên dễ dàng.

Trước tiên, phải nói đến việc tuyển sinh của các trường đại học. Việc trúng tuyển cao học trở thành một điều hiển nhiên với mỗi thí sinh khi đi thi. Nhà trường cần học viên và học viên cần bằng. Kỳ thi tuyển sinh chỉ lo thiếu thí sinh so với chỉ tiêu chứ không lo việc phải loại ai. Một số trường tuyển sinh bậc cao học nhưng lại không thi môn chuyên ngành, không giới hạn ngành gần, tạo điều kiện cho người có bằng cử nhân khác ngành học một ngành mới mà việc bổ sung kiến thức chỉ là hình thức.

Bậc học cao học là một nguồn thu quan trọng đối với trường đại học so với bậc đại học. Thậm chí, nhiều trường đại học còn cho ra các chương trình "cao học chất lượng cao", mời một số giảng viên nước ngoài đến nói chuyện để "đánh bóng". Chương trình chất lượng cao nhưng tập trung vào dịch vụ cao như các hoạt động ngoại khóa, tham quan, ăn uống giữa giờ mà ít tập trung vào đào tạo, thực tế, nghiên cứu khoa học...

Ngoài ra, đối tượng học cao học thường là người đi làm đã có thu nhập, có gia đình và quỹ thời gian dành cho việc lên lớp khá hạn hẹp. Cộng với "văn hóa bôi trơn" "văn hóa phong bì" đang tồn tại ở nước ta, họ dễ dàng được đi thi, được qua môn và bảo vệ luận văn một cách dễ dàng. Giảng viên thường lên lớp khá muộn, về sớm, họ thường tới kể chuyện nhiều hơn là giảng dạy. Không hề có một áp lực học tập nào.

Đối với học viên, nhiều người đến lớp nhằm mục đích quen biết những người có chức vụ, kể về công việc hiện tại và tìm cách tháo gỡ bằng những con đường không chính thống mà không hề có ý niệm học tập. Với tâm thế đi học như vậy, chương trình đào tạo cao học đã giảm chất lượng trầm trọng, tạo ra một xã hội bằng cấp nhưng thiếu thực chất.

Để chữ "thạc" về đúng nghĩa

Cần phải có những giải pháp tổng thể để chương trình đào tạo cao học về đúng giá trị thực vốn có, nếu không quyết liệt thì dần dần nạn nhân tiếp theo sẽ là bậc nghiên cứu sinh, "phổ cập tiến sĩ" sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều người học thực sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội học tập ở nước ngoài và giáo dục nước nhà chỉ thấy bề nổi mà không thấy chất lượng.

Trước tiên, đứng về góc độ quản lý, các cơ quan chức năng, trường đại học cần phải có đánh giá chương trình khách quan, khảo sát ý kiến người đã tốt nghiệp về việc làm, lấy ý kiến từ đơn vị sử dụng lao động. Từ đó, cơ sở đào tạo xem xét về chỉ tiêu, tuyển sinh, chương trình đào tạo thay đổi cho phù hợp, đặc biệt phải có quy định rõ ràng về điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Nhìn tổng quan, cơ sở đào tạo cần phải tăng thời lượng môn học chuyên ngành cùng với thời gian thực hành, tránh việc sa lầy vào lý thuyết, các môn đại cương và thực hành "giải ngân" quỹ lớp.

Để người học cao học xác định được tâm thế rõ ràng trước khi đăng ký học, nên xem xét quy định về tuổi, cụ thể người học cao học trước 35 tuổi, người học nghiên cứu sinh trước 45 tuổi sẽ thi những môn gì, cần điều kiện cụ thể nào. Người sau độ tuổi này, nếu muốn đăng ký học phải bổ sung các điều kiện như thời gian công tác thực tế, bài báo khoa học, tham gia hội thảo, hội nghị... để nâng cao chất lượng tuyển sinh, tránh việc đi học lấy bằng cho có danh có vị.

Ngoài ra, trong chương trình đào tạo cao học hiện nay, hầu hết cơ sở đào tạo chưa có môn học định hướng nghề nghiệp. Có khá nhiều người đi học cao học để mong có việc làm nhưng cơ sở đào tạo mặc nhiên cho rằng đây là việc của người học.

Cơ quan quản lý cần phải siết chặt về cơ sở và thời gian đào tạo, bắt buộc đào tạo cao học phải ở cơ sở chính, vào ban ngày (thứ bẩy, chủ nhật hoặc các ngày trong tuần), giám sát việc lên lớp và các chương trình thực tế, điền dã. Làm tốt các nội dung trên, tấm bằng thạc sĩ trong nước sẽ trở về đúng giá trị vốn có.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn